Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn vay: Mỗi tháng giải ngân... 1%

0:00 / 0:00
0:00
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn dang dở thi công dù tiền vay đã về nhưng chưa giải ngân được (ảnh lớn) Ảnh: VEC
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn dang dở thi công dù tiền vay đã về nhưng chưa giải ngân được (ảnh lớn) Ảnh: VEC
TP - Trong 7 tháng đầu năm nay, mỗi tháng nước ta chỉ giải ngân bình quân 1% vốn vay nước ngoài. Tiền rút về không giải ngân được trong khi Nhà nước vẫn phải trả lãi, điều này không chỉ gây sức ép lên ngân sách mà còn nhân đôi lãng phí nguồn lực quốc gia.

Chỉ biết chờ

Không khó để liệt kê các dự án đầu tư công sử dụng vốn vay nước ngoài (đa số là vốn vay ODA) nhưng chậm được giải ngân. Loạt dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM hay dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 31.320 tỷ đồng là những ví dụ tiêu biểu. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành tuyến đường vào giữa năm 2019, nay phải lùi lại cuối năm 2023. Một phần tiền của dự án đã có trong tay nhưng gần 3 năm qua không giải ngân được.

Ngày 6/9, trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Quốc Bình cho biết, do vốn không thể giải ngân, một số gói thầu phải tạm dừng thi công. “Từ đầu tháng 5 tới nay dịch COVID-19 bùng phát, dự án đi qua cả TPHCM, Long An, Đồng Nai, đều là tâm điểm của dịch bệnh. Vậy nên không chỉ thiếu vốn, dự án còn thiếu nhân lực, vật liệu, dẫn đến phải dừng toàn bộ. Giờ cũng chỉ biết đợi”, ông Bình nói. Hiện dự án này sử dụng 11 nhà thầu nước ngoài (giám sát, thi công), vấn đề nhân sự nước ngoài nhập cảnh, nguyên vật liệu, máy móc nhập khẩu cũng ảnh hưởng không ít tới dự án.

Theo ông Bình, dự án trên vướng về vốn từ cuối năm 2018 tới nay nên chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng. Lý do là Quốc hội đã tạm dừng phân bổ vốn nước ngoài và vốn đối ứng cho VEC (gồm vay lại và cấp phát). Dù dự án chỉ còn cần khoảng 20% vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại và đưa vào sử dụng. Thực tế, tiền có nhưng không thể giải ngân. Lãnh đạo VEC cho hay, những vướng mắc này VEC đang đợi Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để trình Quốc hội giải pháp tháo gỡ. “Ngoài khó khăn về vốn, dự án cũng đối mặt rủi ro pháp lý do chậm thanh toán cho nhà thầu theo hợp đồng, phát sinh thêm chi phí do kéo dài thi công... Chúng tôi vẫn tiếp tục đàm phán với các nhà thầu mong họ chia sẻ, nhưng khó tránh khỏi sẽ bị tăng thêm một số chi phí”, ông Bình nói.

Nhiều bộ ngành, địa phương chưa giải ngân

Theo Bộ Tài chính, năm nay Chính phủ giao vốn nước ngoài cho các bộ, ngành, địa phương khoảng 51.550 tỷ đồng. Tới hết tháng 7, Chính phủ đã rút vốn vay nước ngoài khoảng 792 triệu USD. Các bộ, ngành, địa phương mới giải ngân được 7,5% vốn kế hoạch.

Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn vay: Mỗi tháng giải ngân... 1% ảnh 1

Biểu đồ dư nợ vay của Chính phủ giai đoạn 2015-2019 Nguồn: Bản tin nợ Chính phủ

Bộ Tài chính đã nêu tên một số bộ, ngành, đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nước ngoài nào như: Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ KH&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM. Một số bộ, ngành giải ngân đạt thấp như Bộ Y tế (2,7%); Bộ TN&MT (7,3%); Bộ GD&ĐT (11,9%)...

Với cấp tỉnh, thành phố, một số địa phương chưa giải ngân vốn nước ngoài như: Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.... Một số địa phương chỉ giải ngân được lượng vốn dưới 5% là: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Huế, Kon Tum, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng... Đáng chú ý là, hai đầu tàu kinh tế được bố trí nhiều vốn nước ngoài nhất cũng giải ngân rất thấp, trong đó Hà Nội được bố trí hơn 6.200 tỷ đồng mới giải ngân 3,5%; TPHCM được bố trí hơn 3.600 tỷ đồng mới giải ngân 1,3%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn dẫn báo cáo các địa phương cho thấy, tình trạng giải ngân vốn nước ngoài đạt thấp, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều địa phương ưu tiên chống dịch; khó khăn trong bố trí lao động, máy móc, vật tư. Đa số dự án vốn vay liên quan tới chuyên gia nước ngoài nhưng do dịch bệnh nên phía nước ngoài họ chưa thể sang để xử lý thủ tục; khó khăn trong nhập máy móc thiết bị.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến giải ngân gặp khó vẫn tồn tại nhiều năm qua có thể kể đến như: vướng mặt bằng; chủ đầu tư chậm trễ trong đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp, bố trí vốn, giao kế hoạch vốn; nhiều dự án sử dụng vốn ODA điều chỉnh thủ tục, những thủ tục này phức tạp... Cũng theo ông Tuấn, có địa phương được giao vốn vượt nhiều lần nhu cầu sử dụng, khiến tỷ lệ giải ngân thấp (như Hà Nội).

Để giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giao Bộ KH&ĐT rà soát, đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc trong thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, để sửa đổi quy định.

Với các chủ đầu tư là bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị chủ động rà soát, điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt hơn; bố trí kịp thời vốn đối ứng; nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án; kịp thời xử lý tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở dự án. Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không sử dụng hết vốn được giao, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ điều chuyển cho dự án khác...

Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2021, Bộ đã trả nợ khoảng 266.785 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 227.843 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trên 38.941 tỷ đồng

MỚI - NÓNG