Hạn hán ngày càng gia tăng

Hạn hán ngày càng gia tăng
TP - Ngày 10/10, phát biểu tại diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết những năm qua, BĐKH đang tác động nhanh hơn và mạnh hơn đến Việt Nam. Trong khi những nghiên cứu về khí tượng thủy văn cho thấy, thiên tai sẽ gia tăng, đặc biệt là hạn hán.

> Phía sau những dự án thủy điện đầy rủi ro
> Kỳ 1: Thủy lợi thành thủy hại!?

Phó Thủ tướng cho biết, thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán ngày càng thất thường và khó dự đoán ở Việt Nam. Từ đầu năm 2013 có 10 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, 5 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong đó bão số 10, đổ bộ vào miền Trung cách đây hai tuần, là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua. Những năm qua, thiệt hại về người do bão gây ra đã được giảm thiểu song lũ quét, sạt lở đất lại rất nguy hiểm.

Việt Nam đã nghiên cứu dự báo về những vùng có khả năng sạt lở đất, lũ quét, những vùng dân cư có nguy cơ đe dọa về an toàn khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, BĐKH đã làm biến đổi cả những khu vực được dự báo. Nhiều khu dân cư sống ổn định trong những năm qua nay bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn do lũ quét, sạt lở.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thập kỷ qua, thiên tai làm 9.500 người chết và mất tích, tài sản bị thiệt hại ước tính bằng 1,5% GDP. Nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường chỉ ra nhiệt độ cực đoan tăng ở hầu hết các vùng khí hậu trong cả nước, mưa cực đoan gia tăng mạnh ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tần suất bão đổ bộ vào Việt Nam không có xu thế rõ ràng. Các hiện tượng như El Nino ngày càng dài hơn trong khi các đợt La Nina có xu hướng ngắn hơn.

Trong những năm tới dự báo mưa cực đoan có xu hướng giảm ở vùng duyên hải nhưng tăng ở khu vực Tây Nguyên. Hạn hán xuất hiện thường xuyên, có quy mô dài, trở nên nghiêm trọng hơn. Nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều, tồn tại lâu hơn, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG