Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, về việc mua dự trữ 190 nghìn tấn gạo (và 300 nghìn tấn trong năm 2020) là việc làm thường xuyên hàng năm của Bộ Tài chính.
“Do vậy, nếu ai trúng thầu mà không ký hợp đồng thì mất tiền ký quỹ, Bộ Tài chính mở thầu mới. Đó là luật mà đã làm theo luật là không sai”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Cty Trung An tiết lộ: Tại cuộc họp liên Bộ, lãnh đạo 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL cùng 20 DN xuất khẩu gạo lớn ngày 26/3/2020 tại Bộ Công Thương, tất cả cùng có ý kiến: Bộ Tài chính mở thầu mới mua gạo khoảng 10.000 đồng/kg là có ngay 300 nghìn tấn. Loại gạo dự trữ quốc gia mua 10.000 đồng/kg là rẻ nhất so với gạo nội địa mà người tiêu dùng cả nước đang mua (thường 11.000 đồng/kg).
Ông Bình đặt vấn đề: Vì sao Bộ Tài chính không tính toán nhanh cứ kéo cưa đùn đẩy, thậm chí còn đề nghị Thủ tướng ngưng xuất khẩu gạo, để giá gạo xuống thấp và mua đủ 190 nghìn tấn dự trữ với giá 9.200 đồng/kg (như giá trúng thầu)?
An ninh lương thực: Nên tính toán từ đầu vụ
Về gạo dự trữ, trao đổi với PV Tiền Phong, một DN xuất khẩu gạo (xin giấu tên) cho biết, nếu DN nào đã trúng rồi nhưng “xù”, không thực hiện thì cứ theo luật mà xử lý. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nói DN “xù”, nhưng cũng nên xem phía Tổng cục Dự trữ quốc gia, tại sao không đặt vấn đề mua dự trữ từ đầu năm, đầu vụ thu hoạch lúa. Làm như vừa qua có phải “mất bò mới lo làm chuồng”?
Vị lãnh đạo DN này cho biết, với khoảng 190 nghìn tấn gạo dự trữ, số lượng không quá lớn, chỉ bằng lượng gạo xuất khẩu hằng năm của một DN tầm trung.
Về vấn đề trên, trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, đấu thầu mua gạo dự trữ là hoạt động bình thường và nếu ai vi phạm cứ xử lý theo quy định, tính toán đến việc bồi thường thiệt hại nếu có.