Hàm lượng cao vi nhựa ở TPHCM, Hà Nội: Tăng nguy cơ ung thư, tự kỷ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghiên cứu về mật độ vi nhựa trong không khí ở khu vực bãi rác Phước Hiệp (TPHCM) cho thấy tốc độ lắng đọng vi nhựa cao hơn 50 lần kết quả quan trắc tại thủ đô Paris (Pháp). Ô nhiễm vi nhựa làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, chứng tự kỷ…

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) phối hợp với Bộ TN&MT, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa công bố Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022, công bố bức tranh ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam.

Hàm lượng cao vi nhựa ở TPHCM, Hà Nội: Tăng nguy cơ ung thư, tự kỷ ảnh 1

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam và toàn cầu. Trong ảnh là ô nhiễm rác thải nhựa tại bờ biển Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trong môi trường không khí, các kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm vi nhựa chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo về mật độ vi nhựa trong không khí ở bãi rác Phước Hiệp (TPHCM) cho thấy, tốc độ lắng đọng vi nhựa lên đến 1.367 hạt/m2 bề mặt (mặt đất, mặt đường...)/ngày, cao hơn 50 lần kết quả quan trắc tại Paris. Một nghiên cứu khác tại TPHCM cũng chỉ ra tốc độ lắng đọng vi nhựa từ khí quyển trong khu vực đô thị dao động xuống bề mặt trong khoảng 71 - 917 hạt/m2/ngày. Tại đường phố ở TP Đà Nẵng, mật độ vi nhựa trung bình 20 hạt/m2, một số khu vực đã được ghi nhận có mật độ vi nhựa từ 22 - 40 hạt/m2.

Trong môi trường nước, một số dòng sông ghi nhận mật độ vi nhựa rất cao như hạ nguồn sông Đáy, từ 269,9 hạt/m3 nước (nước sông) đến 863 hạt/m3 với thành phần của vi nhựa chủ yếu là PE, PP. Nước ở kênh Phú Lộc chảy qua đô thị Đà Nẵng có mật độ vi nhựa dao động từ 630 - 3.840 hạt/m3, với giá trị trung bình lên đến 1.482 hạt/m3. Trong trầm tích kênh, vi nhựa tập trung rất cao, dao động từ 2.800 - 9.600 hạt/kg, với giá trị trung bình 6.120 hạt/kg. Trong nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, vi nhựa tập trung với mật độ lớn, từ 228.120 đến 715.124 sợi/m3, 23 - 300 mảnh và màng nhựa/m3.

Đáng chú ý, vi nhựa trong nước Hồ Tây cũng lên đến 611 hạt/m3 nước (nước hồ), cao hơn nhiều lần so với nước hồ Trị An (chỉ có 1,5 hạt/m3). Vi nhựa trong trầm tích hồ ở Hà Nội được ghi nhận dao động từ 2.767 đến 2.833 hạt/kg. Nghiên cứu chỉ ra, nguồn gốc của vi nhựa trong các hồ ở Hà Nội xuất phát chủ yếu từ các hoạt động dân sinh xung quanh hồ. Vi nhựa cũng được phát hiện trong môi trường đất như đất than bùn tại tỉnh Long An có số hạt vi nhựa dao động 0 - 360 hạt/kg. Ô nhiễm vi nhựa cũng được ghi nhận trong nước và trầm tích nhiều vùng biển và một số loài sinh vật ở Việt Nam.

Tăng nguy cơ ung thư, tự kỷ

Theo các nghiên cứu, con người phơi nhiễm nhựa thông qua đường hô hấp, ăn, uống và tiếp xúc trực tiếp qua da. Trong quá trình sử dụng các vật dụng phổ biến hằng ngày như túi ni-lông, thìa nhựa, cốc, chai nhựa, quần áo sợi tổng hợp, đồ dùng cá nhân, nội thất, dụng cụ bằng nhựa, con người vô tình bị phơi nhiễm với nhựa. Ngoài ra, tại Việt Nam, tình trạng đốt chất thải nhựa diễn ra phổ biến, làm phát thải các chất độc hại như dioxin, furan, kim loại nặng. Các khí độc được xem là tác nhân gây nên căn bệnh ung thư và có tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.

Báo cáo cũng chỉ ra, trung bình một người có thể hấp thụ từ 39.000 - 52.000 hạt vi nhựa/năm từ hít thở, tiêu thụ thức ăn và uống nước. Hầu hết các loại thực phẩm ăn hằng ngày đều có chứa vi nhựa, ví dụ trong mật ong, đường, muối ăn và nước uống lần lượt có khoảng 40 - 660 hạt/kg, 25 - 39 hạt/kg, 7 - 681 hạt/kg và 118 hạt/l. Khi sử dụng nước đóng chai, số hạt vi nhựa nạp vào cơ thể có thể lên đến 9.000 hạt/năm, gấp hơn 2 lần khi sử dụng nước vòi 4.000 hạt/năm.

Ước tính, hằng năm một người có thể hấp thụ từ 39.000 - 52.000 hạt vi nhựa từ đồ ăn, quá trình này phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính. Hạt vi nhựa sau khi thâm nhập, di chuyển, tích tụ và gây ra những rối loạn tới các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người. Các bệnh liên quan tới hệ thần kinh bao gồm rối loạn sự phát triển của hệ thần kinh, rối loạn tăng động và giảm chú ý ở trẻ, chứng tự kỷ, tâm thần và ảnh hưởng tới nhận thức và sự phát triển trí tuệ. Các bệnh về tim mạch cũng được nghiên cứu chứng minh có liên quan tới vi nhựa. Ngoài ra, các hạt vi nhựa làm ảnh hưởng tới nội tiết tố đi kèm các bệnh về tuyến giáp, nguy hiểm hơn có thể là ung thư tuyến giáp. Hội chứng chuyển hóa cũng bị ảnh hưởng dẫn tới làm tăng hoặc giảm lượng cholesterol toàn phần.

Báo cáo cũng chỉ ra, do có kích thước siêu nhỏ, các hạt vi nhựa có thể xâm nhập sâu vào phổi của con người. Dẫn tới các bệnh liên quan tới hệ hô hấp, điển hình như bệnh hen suyễn hay nặng hơn là ung thư phổi. Sức khỏe sinh sản của nữ giới và nam giới cũng như sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai cũng chịu tác động do ô nhiễm vi nhựa. “Như vậy có thể thấy, vi nhựa có ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe con người”, báo cáo nêu.

Một số loại vi nhựa dạng sợi có thể tồn tại trong phổi lên đến 180 ngày. Quá trình này gây tích lũy lâu dài có thể dẫn đến ung thư phổi. Ngoài ra, hầu hết các vi nhựa đều chứa các thành phần phụ gia, thuốc nhuộm là các chất độc đối với sinh vật và con người. Nhiều loại nhựa như polycarbonate (PC), polystyrene (PS) và polyvinyl clorua (PVC) đã được chứng minh là giải phóng các đơn phân độc hại, gây độc cho quá trình sinh sản, gây đột biến và ung thư.

MỚI - NÓNG