Hạm đội tàu ngầm TQ ở Biển Đông lộ điểm yếu

Hạm đội tàu ngầm TQ ở Biển Đông lộ điểm yếu
Dù có hạm đội tàu chiến mặt nước mạnh mẽ nhưng lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải lại khá yếu ớt.

> Quân đội Trung Quốc khoe đội tàu ngầm Biển Đông
> LHQ xem xét tuyên bố chủ quyền Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư

Nam Hải là một trong 3 hạm đội chủ lực của Hải quân Trung Quốc, hạm đội này có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông.

Mặc dù, hạm đội này được trang bị lực lượng tàu chiến mặt nước khá hùng hậu gồm: khu trục phòng không hiện đại nhất Trung Quốc Type 052C; khu trục phòng không Type 052B; khinh hạm hiện đại nhất Type 054A; tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 lớp Ngọc Châu.

Tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện - diesel Type 033
Tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện - diesel Type 033.

Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm của hạm đội này được xem là khá nghèo nàn và yếu nhất trong 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc. Hiện nay, theo một số nguồn tin thì Hạm đội Nam Hải biên chế chủ yếu các tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện – diesel Type 033 và Type 035.

Tàu ngầm “cổ lỗ”

Theo thông tin từ trang Globalsecurity, lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải được trang bị khoảng 10 chiếc tàu ngầm Type 033 lớp Rome. Đây là loại tàu ngầm được sản xuất nhiều nhất tại Trung Quốc với hơn 110 chiếc đã được chế tạo và đưa vào sử dụng từ những năm 1970.

Tàu ngầm Type 033 lớp Romeo là một thiết kế sao chép từ tàu ngầm project 633 của Liên Xô. Tàu có thiết kế thủy động lực học theo kiểu cổ điển dựa trên thiết kế của tàu ngầm project 633.

Dù vậy, Viện thiết kế 701 đã cải tiến tàu ngầm này so với nguyên bản. Cụ thể theo quảng cáo từ phía Trung Quốc, độ ồn của tàu ngầm Type 033 sau khi được Trung Quốc “cải tiến” giảm xuống còn 20dB. Hệ thống định vị thủy âm trên tàu ngầm cũng liên tục được nâng cấp.

Ban đầu, tàu ngầm Type 033 sử dụng hệ thống định vị thủy âm Type 105 do Trung Quốc sản xuất, sau đó được thay thế bằng loại H/SQ2-262A cũng do nước này sản xuất. Tính năng kỹ thuật của các loại định vị thủy âm này gần như không thể kiểm chứng một cách độc lập.

Vũ khí chính của Type 033 gồm 8 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm (cơ số dự trữ 14 quả). Để tăng cường hỏa lực cho tàu, năm 1976, Trung Quốc cải tiến một chiếc Type 033 thử nghiệm phóng tên lửa hành trình chống tàu YJ-8, biến thể gọi là Type 033G lớp Vũ Hán.

Cả tên lửa và thiết kế tính năng của loại tàu ngầm này đều không thành công, tên lửa chống tàu YJ-8 có thân hình quá khổ để phù hợp với kích thước của tàu ngầm, bên cạnh đó tầm bắn và độ chính xác của nó cũng không cao.

Mặt khác, để phóng tên lửa chống hạm, tàu ngầm Type 033G buộc phải nổi lên mặt nước ở tốc độ gần 15km/h, để phóng hết số tên lửa mang theo gồm 6 quả phải tốn thời gian khoảng 8 phút. Việc nổi lên mặt nước để phóng tên lửa khiến tàu ngầm trở thành miếng mồi ngon cho lực lượng săn ngầm trên không.

Tàu ngầm tấn công Type 035 lớp Minh
Tàu ngầm tấn công Type 035 lớp Minh.

Tàu ngầm Type 033 và Type 033G có độ ồn khi hoạt động rất cao, nó chỉ thích hợp cho các hoạt động tuần tra và phòng vệ ven bờ, loại tàu ngầm này không có khả năng tác chiến xa bờ ở các đại dương sâu.

Bên cạnh đó các bất ổn về mặt cơ khí không cho phép loại tàu ngầm này hoạt động ở các vùng biển xa.

Không chỉ dừng lại ở đó, độ ồn khi hoạt động khá cao làm cho tàu ngầm này dễ dàng trở thành mồi ngon các hoạt động chiến tranh chống ngầm từ mặt nước hoặc từ các loại tàu ngầm hiện đại hơn.

Nhận thấy những điểm yếu đó, Trung Quốc đã nỗ lực cải tiến tàu ngầm Type 033 và cuối cùng họ đã cho ra đời tàu ngầm tấn công hiện đại Type 035 lớp Minh.

Hiện đại nhưng không an toàn?

Về cơ bản, tàu ngầm lớp Minh có thiết kế thủy động lực học tương tự như tàu ngầm lớp Romeo với một vài cải tiến. Tổng cộng 20 chiếc đã được chế tạo, tàu ngầm lớp Minh được trang bị hệ thống điện tử và hệ thống định vị thủy âm tiên tiến.

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh được đánh giá là loại tàu ngầm tối tân nhất trong biên chế hạm đội Nam Hải những năm 1990 (khoảng 8 chiếc). Loại tàu ngầm này được vũ trang với 8 ống phóng ngư lôi, 6 ở phía trước và 2 ở phía sau đuôi (cơ số ngư lôi mang theo 14 quả). Tàu không có khả năng phóng tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, điều làm nên sự nổi tiếng của tàu ngầm này không phải ở chất lượng của nó hay các thành tích ấn tượng trong hoạt động mà là từ một vụ tai nạn thảm khốc. Tàu ngầm Type 035 lớp Minh được thế giới đặc biệt chú ý sau vụ tai nạn vào năm 2003.

Trong khi đang tham gia một cuộc tập trận ngoài khơi vịnh Bột Hải, chiếc tàu ngầm Type 035 lớp Minh mang số hiệu 361 đã biến mất một cách đầy bí ẩn. 10 ngày sau đó, các ngư dân Trung Quốc phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm này ló lên mặt nước. Con tàu được phát hiện đang ở trong trạng thái lơ lửng chìm.

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh số hiệu 361 trong vụ tai nạn thảm khốc làm thiệt mạng toàn bộ thủy thủ trên tàu
Tàu ngầm Type 035 lớp Minh số hiệu 361 trong vụ tai nạn thảm khốc làm thiệt mạng toàn bộ thủy thủ trên tàu.

Một điều lạ lùng đến nay vẫn chưa có đáp án là tất cả thủy thủ đoàn 70 người không một ai thoát ra ngoài được cho dù tàu được trang bị khá nhiều hệ thống thoát hiểm khẩn cấp. Bên trong tàu gần như nguyên vẹn và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã xảy ra sự cố hay hỏa hoạn bên trong tàu.

Tại sao toàn bộ thủy thủ đoàn đều bất lực trong khi đó bản thân họ được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản trước khi được phép vận hành tàu ngầm?

Một điều khá lạ lùng, bản thân tàu ngầm này được thiết kế với thủy thủ đoàn tối đa là 55 người (gồm 9 sỹ quan và 46 thủy thủ). Tuy nhiên, trong lúc gặp nạn, trên tàu có tới 70 người, vậy 15 cán bộ bổ sung lên tàu ngầm này để làm gì?

Sự bí ẩn của vụ tai nạn thảm khốc này được cho là chứa đựng bí mật động trời về công nghệ chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc. Điều này càng có cơ sở hơn khi Hải quân Trung Quốc tiến hành sa thải hàng loạt quan chức cao cấp và thân nhân của thủy thủ đoàn không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về cái chết của họ.

Trong biên chế Hải quân Trung Quốc có khá nhiều loại tàu ngầm hiện đại như tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, tàu ngầm Type 039 lớp Tống, tàu ngầm Type 041 lớp Nguyên. Tuy nhiên, số tàu ngầm hiện đại này buộc phải ưu tiên cho các khu vực quan trọng hơn ở Đông Hải. Hạm đội Nam Hải đành chấp nhận sử dụng những chiếc tàu ngầm “cỗ lỗ, không an toàn” trong biên chế.

Với sự xuất hiện của các loại tàu ngầm hiện đại trong khu vực Đông Nam Á như tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Hoàng gia Malaysia, tàu ngầm lớp Archer của Hải quân Singapore cùng tàu ngầm lớp Kilo thì lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải tỏ ra lép vế.

Theo Phan Nguyễn
Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG