Hạm đội Mỹ ở gần Senkaku/Điếu Ngư

Hạm đội Mỹ ở gần Senkaku/Điếu Ngư
TP - Ngày 1-10, một tàu tuần tra của Đài Loan và bốn tàu hải giám của Trung Quốc đại lục xuất hiện sát nách Senkaku/Điếu Ngư, trong khi hải quân Mỹ triển khai hai tàu sân bay cùng 2.200 thủy quân lục chiến không xa quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

> 'Đánh cờ’ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?

Tàu sân bay USS John C. Stennis (phía trước) và USS George Washington bơi theo đội hình cùng một tàu hộ tống ở gần Guam hồi tháng 9. Nguồn: Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS John C. Stennis (phía trước) và USS George Washington bơi theo đội hình cùng một tàu hộ tống ở gần Guam hồi tháng 9. Nguồn: Hải quân Mỹ.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo, sáng 1-10, họ phát hiện tàu tuần tra Đài Loan cách Uotsuri, đảo lớn nhất trong Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 40km, theo hãng tin Kyodo News (Nhật Bản).

Dù bị cảnh báo nhưng tàu Đài Loan vẫn tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải của các đảo. Đến trưa 1-10, bốn tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện.

Hôm 25-9, một tá tàu tuần tra Đài Loan hộ tống khoảng 40 tàu cá Đài Loan tới gần Senkaku/Điếu Ngư, dẫn tới trận đấu vòi rồng giữa các tàu Đài Loan và tàu Nhật Bản.

Mới đây, Hạm đội Hoa Đông của hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật, nhằm tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu đảo.

Kịch bản là đổ bộ quân, chiếm thế thượng phong về hải phận và không phận để cô lập một hòn đảo.

Đến nay, chưa có chiến hạm nào trực tiếp tham gia đối đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc thề tiếp tục gửi các tàu tuần tra tới vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, còn Nhật Bản tăng cường tàu tuần duyên để bảo vệ nhóm đảo không người, chỉ có dê, cua… Mỹ không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ tuyên bố, Senkaku/Điếu Ngư chịu sự điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, theo đó, Washington sẽ hỗ trợ Tokyo trong trường hợp bị tấn công.

Hôm qua, các quan chức hải quân Mỹ xác nhận rằng, tàu sân bay USS George Washington bắt đầu hoạt động ở biển Hoa Đông, gần Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, tàu sân bay USS John C. Stennis có mặt ở biển Đông cách đó không xa.

Mỗi hàng không mẫu hạm được trang bị hơn 80 máy bay chiến đấu và nhóm tàu tấn công đi kèm gồm tàu tiếp tế, tàu ngầm, khu trục hạm và tuần dương hạm có tên lửa dẫn hướng.

Trên biển Đông, gần về phía Philippines, khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ có mặt trên chiến hạm USS Bonhomme Richard và hai tàu hộ tống.

Thủy quân lục chiến được trang bị xe tấn công lội nước, xe bọc thép hạng nhẹ, pháo, máy bay trực thăng và máy bay phản lực chiến đấu Harrier.

Các hàng không mẫu hạm và lực lượng thủy quân lục chiến thường hoạt động độc lập, vì thế sự hội tụ của ba lực lượng này ở một khu vực tương đối hẹp ở Thái Bình Dương thể hiện sự tập trung hỏa lực một cách bất bình thường, theo tạp chí Time (Mỹ).

Cả ba lực lượng này vừa tham gia huấn luyện ở Guam và khu vực phụ cận. Các bài diễn tập bao gồm bắn tên lửa, đạn thật, thủy quân lục chiến Mỹ và lục quân Nhật Bản cùng đổ bộ bãi biển.

Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói rằng, công tác huấn luyện và triển khai tàu sân bay không nhất quyết liên quan căng thẳng về Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Time, việc tập trung chiến hạm Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể nhằm cảnh báo Trung Quốc không leo thang trong tranh chấp biển đảo, tập trung sự chú ý của Nhật Bản, nhưng cũng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Thái An
Theo Time, Kyodo, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG