Với hơn 200 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu, cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu bám vào nghề chăn nuôi, trồng trọt. Để mưu sinh, giao thương buôn bán với bên ngoài, người dân chỉ biết dựa vào duy nhất chiếc đò gỗ tự chế cũ kỹ được chèo bằng tay.
“Dùng đò tự chế để qua sông rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác”, bác Trần Văn Hùng, trú tại thôn Trung Lưu nói.
Được biết, vào mùa lũ nước sông dâng cao người dân có khi phải chờ cả tuần để nước rút rồi mới dám đi đò qua sông.
Anh Trần Văn Có (SN 1979)- lái đò cho biết, vào những ngày mưa gió, nước sông Ngàn Phố chảy xiết, việc chèo đò rất khó khăn, mức độ nguy hiểm lớn. “Hằng ngày, tôi bắt đầu ra đò từ 4h30 sáng đến tận 8h tối mới được về nhà, nếu gia đình nào có việc đột xuất cần qua sông, tôi phải thức dậy chèo đò cả đêm. Trung bình mỗi ngày có 60 chuyến đò”, anh Có nói.
Ông Lê Đình Vỹ, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, hằng năm, mỗi gia đình ở hai thôn phải đóng 300 nghìn đồng để trả công người lái đò. Có nhiều đoàn về tiến hành đo đạc khảo sát thực địa để xây cầu. Thế nhưng, đến nay chưa có kết quả.
Được biết, trên địa bàn hai thôn Trung Lưu, Phố Tây từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lật đò, gần đây nhất là đầu tháng 11/2013, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, chảy xiết khiến chiếc đò chở gần 15 người cùng nhiều phương tiện bị lật ngay giữa dòng sông nhưng rất may không có ai bị thiệt mạng.