Ngày 18/8, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (BQL KCN) đề xuất mô hình sản xuất “2 tại chỗ, 1 vùng xanh”, xin ý kiến Sở Y tế Hà Nội để trình UBND thành phố.
Mô hình này sẽ có “khu an toàn” là nơi ở của công nhân, có thể là nhà riêng, nhà trọ, khách sạn... nhưng trước hết phải nằm trong “vùng xanh” được doanh nghiệp khảo sát lựa chọn. Với cách thức này, DN sẽ đỡ tốn kém chi phí sinh hoạt, công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn.
“3 tại chỗ” khiến năng lực sản xuất giảm 50%
Đại diện DN T.Y tại huyện Hoài Đức cho biết, đây là mô hình mà DN mong chờ, cần thực hiện sớm để giảm bớt khó khăn cho DN. Theo đó, sau 20 ngày thực hiện “3 tại chỗ” mỗi ngày chi phí DN tăng lên 40 triệu đồng, bao gồm tiền thuê khu nghỉ, tiền điện, nước, ăn uống (từ 1 bữa lên 3 bữa)... chưa kể các phụ phí xét nghiệm. Nếu tiếp tục “gồng gánh”, DN buộc phải dừng sản xuất.
Lãnh đạo Cty CP Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) cho biết, để duy trì “3 tại chỗ” DN thêm chi phí khoảng 200.000 đồng/người/ngày; chi phí xét nghiệm 220.000 đồng/người... Tuy nhiên, chi phí này không lớn bằng tinh thần của người lao động bị ảnh hưởng. Người nhà gọi điện, rồi đọc báo về tình hình dịch, một người hoang mang thì như “vệt dầu loang” khiến nhiều công nhân khác bất an. Năng suất của công nhân làm việc chỉ bằng một nửa so với bình thường. “Hiện nay 90% công nhân của Cty là người Hoài Đức và ở các vùng xanh. Nếu thực hiện “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” thì sẽ giúp cho DN và cả người lao động “, đại diện Cty Minh Dương nói.
Đồng tình với phương án “2 tại chỗ, 1 vùng xanh”, đại diện Cty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Song Phương (quận Hoàng Mai) cho biết, DN có hơn 80% công nhân là nữ, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là độ tuổi 30 - 40 tuổi. Nhiều công nhân có con nhỏ, con cái chưa được đi học, không nhờ được người trông nom nên ở lại sản xuất “3 tại chỗ” rất bất cập. Mới đây, ngày 15/8, Cty cho một số công nhân được phép về nơi cư trú là “vùng xanh” an toàn. Để làm được điều này, DN đã yêu cầu tất cả công nhân được về phải ký cam kết hạn chế tối đa tiếp xúc. Ban hành quy chế riêng (ngoài quy chế của Cty) về việc xử phạt, đền bù nếu để phát sinh dịch bệnh. DN cũng đã phối hợp với địa phương để “đi chợ hộ” công nhân, tránh cho họ phải tiếp xúc với cộng đồng.
Đại diện BQL KCN Hà Nội cho biết, sau khi được Sở Y tế chấp thuận, BQL sẽ trình phương án sản xuất “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” lên UBND thành phố Hà Nội. Nếu được phê duyệt sẽ triển khai ngay đến các DN đủ điều kiện. Theo thống kê của BQL KCN, hiện có 531 DN trong các KCN tại Hà Nội đang thực hiện song song 2 biện pháp “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”; có 150 DN đang xây dựng phương án thực hiện “3 tại chỗ”. Các phương án sản xuất đã được phân quyền cho các quận, huyện chủ động đánh giá nguy cơ, phê duyệt phương án để đảm bảo an toàn trong sản xuất.