Hải quan vẫn đủ cách hành doanh nghiệp

Tỷ lệ DN phải nộp phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan đang tăng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Tỷ lệ DN phải nộp phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan đang tăng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số doanh nghiệp (DN) phải trả phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan ngày càng tăng. Nếu không “bôi trơn”, cán bộ hải quan tìm đủ cách gây khó dễ.

Quản lý kiểu “mềm nắn rắn buông”

Tại hội thảo công bố đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 dựa trên sự hài lòng của DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (VCCI) cho biết, 31% số doanh nghiệp được khảo sát phản ánh, năm 2016 họ phải chi trả phí không chính thức, tăng cao hơn so với 2015.

Nếu không trả phí bôi trơn, cán bộ hải quan tìm đủ cách gây khó dễ như kéo dài thời gian thực hiện thủ tục; yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định pháp luật. Thậm chí hải quan cố tình kiếm sai sót của DN, không hướng dẫn rõ ràng cho DN… Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ DN bị cán bộ hải quan yêu cầu bổ sung, giải trình chứng từ không theo quy định của pháp luật ngày càng gia tăng.

“Cán bộ hải quan viện lí do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó…mà làm chậm hồ sơ hoặc bắt lỗi nhỏ nhặt của DN. Vì vậy, DN phải bồi dưỡng cho hầu hết khâu làm thủ tục xuất nhập khẩu tiếp xúc trực tiếp với cán bộ hải quan”, ông Tuấn nói.

Theo Đại diện Cty CP Đồng Tâm Nghệ An, có tình trạng một số cán bộ cục hải quan địa phương lợi dụng việc DN hiểu biết chưa đầy đủ quy định pháp luật đã áp dụng cách quản lý “mềm nắn rắn buông”.

“DN chúng tôi xuất nhập khẩu lâm sản, cán bộ hải quan tính theo mét khối để lấy tiền bôi trơn. Khối lượng gỗ nhiều lên, chúng tôi không thể tiếp tục nộp thì bị gây khó dễ. Thậm chí, khi nộp hồ sơ làm thủ tục, hải quan không giải quyết hồ sơ nhưng không đưa ra lí do cụ thể, cứ lòng vòng hồ sơ từ phòng này sang phòng khác. Chúng tôi không dám nêu tên vì sợ bị trù úm trong quá trình làm thủ tục tiếp theo”, lãnh đạo Cty CP Đồng Tâm Nghệ An cho biết.

Ngoài ra DN còn phàn nàn việc gặp rắc rối trong thủ tục kiểm tra sau thông quan. Có tới 38% DN được VCCI hỏi ý kiến cho biết, nội dung hải quan kiểm tra chồng chéo, trùng lặp; thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo; 35% DN phải trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra.

Hầu hết DN cho rằng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; quy định không phù hợp thực tế, cơ quan phối hợp chưa tốt và thời gian thực hiện kiểm tra chuyên ngành chưa tốt, chậm. Một số công chức hải quan chưa nắm bắt kịp thời các thông tư quy định mới nên khâu giải quyết thủ tục hải quan cho DN chậm. Thậm chí việc luân chuyển, thay đổi cán bộ hải quan, cách xử lý của từng công chức khác nhau cũng khiến DN gặp khó khăn.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, kết quả khảo sát của VCCI đã chỉ ra điểm nghẽn của hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục. “Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, nhất là một số trường hợp, các mặt hàng gặp khó khăn như phải có 2 giấy phép kiểm tra chuyên ngành (mặt hàng bơ sữa...)”, ông Kim Long Biên, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) nói.

Làm thủ tục điện tử vẫn phải “bôi trơn”

Trong quá trình áp dụng cải cách thủ tục hành chính, ngành Hải quan áp dụng khai báo điện tử trên cổng một cửa quốc gia nhưng còn nhiều vướng mắc. Theo ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng), mặc dù áp dụng khai báo điện tử nhưng do quá tải nên không đáp ứng được thời gian, chất lượng chuyên môn, muốn làm nhanh DN lại phải thêm chi phí “bôi trơn”. Ông Lưỡng cho rằng, định hướng cải cách thủ tục hành chính đúng nhưng cách thực hiện đang đi chệch hướng, thậm chí tiêu cực. 

Kết quả khảo sát của VCCI chỉ ra, có 35% số DN thực hiện thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạch điểm tích cực như thời gian tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính giảm; giao diện thân thiện, dễ hiểu, hệ thống vẫn còn báo lỗi, đường truyền nghẽn và sự kết nối với bộ ngành vẫn chưa nhiều. Khi gặp khó khăn, chỉ có 83% DN được nhận sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 12/2016 cơ chế 1 cửa quốc gia kết nối 10/14 bộ ngành và xử lý thủ tục hành chính cho hơn 8,7 nghìn DN. “Ý kiến phản hồi của DN sẽ hỗ trợ hải quan trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi đề nghị DN, hiệp hội DN nêu cụ thể, chi tiết các vướng mắc để ngành hải quan hiểu và xử lý tốt hơn”, ông Biên nói.

“DN chúng tôi xuất nhập khẩu lâm sản, cán bộ hải quan tính theo mét khối để lấy tiền bôi trơn. Khối lượng gỗ nhiều lên, chúng tôi không thể tiếp tục nộp thì bị gây khó dễ. Chúng tôi không dám nêu tên vì sợ bị trù úm trong quá trình làm thủ tục tiếp theo”.

Lãnh đạo Cty CP Đồng Tâm Nghệ An

MỚI - NÓNG