Chia sẻ với Tiền Phong, TS. Phạm Hữu Thư thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng cung cấp vài nét về định vị Hải Phòng trong sự phát triển của các đô thị trên thế giới, đồng thời gợi mở một số giải pháp thực hiện QHC-2023 của thành phố Hải Phòng.
Định vị Hải Phòng trong sự phát triển của các đô thị trên thế giới
Theo TS. Phạm Hữu Thư, so với tuổi đời của các đô thị trên thế giới và cả trong nước thì Hải Phòng là thành phố “trẻ”. Bắt đầu được hình thành từ những năm 1874 trên bến Ninh Hải, Hải Phòng đã phát triển nhanh chóng trở thành đô thị loại I thời thuộc Pháp, trung tâm kinh tế, đô thị cảng biển lớn nhất phía Bắc. Các công trình kiến trúc Pháp và quy hoạch nội đô thành phố được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay với khoảng 400 công trình, trong đó có nhiều công trình có giá trị đặc biệt, mang lại giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng có của đô thị Hải Phòng.
Trong những thập kỷ qua, Hải Phòng đã có bước phát triển nhanh và thu được những thành quả có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình trong cả thời kỳ 1996-2022 tăng bình quân gần 11%/năm, cao hơn gần 2 lần so với mức tăng bình quân chung cả nước (6,03%).
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hải Phòng so với cả nước trong giai đoạn 1996-2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê Hải Phòng). |
Quy mô nền kinh tế thành phố đến năm 2022 theo giá hiện hành đạt 365.000 tỷ đồng (tương đương 15,4 tỷ USD), tăng gần 60 lần so với năm 1995, chiếm 3,8% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Năm 2022, tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm 3,6%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 53%, dịch vụ 36,9%. Đặc biệt, đã hình thành phát triển một số ngành công nghiệp mới như điện tử, sản xuất ô tô điện mang thương hiệu riêng của Việt Nam, phù hợp với xu thế toàn cầu trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Đáng chú ý là mặc dù quy mô nền kinh tế tăng gấp 60 lần nhưng dân số Hải Phòng chỉ tăng gần 1,3 lần (từ 1.680.200 người năm 1995 lên 2.072.400 người năm 2022). Đây là điều khá khác biệt và cho thấy rằng, không giống như một số đô thị lớn khác như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, tăng trưởng của Hải Phòng không phụ thuộc vào tăng dân số cơ học. GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng đã tăng từ 470 USD năm 1995 lên 7.300 USD năm 2022, vượt qua mức thu nhập trung bình theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (4.045).
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn được coi là khâu đi trước, đột phá. Nhiều công trình giao thông có ý nghĩa chiến lược, đã mở ra không gian phát triển mới, kết nối các địa phương trong vùng, khu vực và quốc tế. Một số công trình trọng điểm như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối trực tiếp với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường nối thành phố Hạ Long – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10; đường ven biển nối Hải Phòng, Thái Bình, và hàng chục cây cầu nối trong và ngoài thành phố. Hệ thống đường liên tỉnh, đường đô thị được nâng cấp cải tạo.
Theo TS. Phạm Hữu Thư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn được coi là khâu đi trước, đột phá. |
TS thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng cho biết việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại đảo Cát Hải đã thể hiện “tầm nhìn thế kỷ”, mở “lối ra” không chỉ riêng cho Hải Phòng mà cả khu vực phía Bắc. Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã đi vào hoạt động từ năm 2018 với 2 bến khởi động đầu tiên (hiện đang triển khai xây dựng các bến số 3,4,5 và 6) trở thành cảng loại 1A, có thể cho tàu trọng tải tới trên 150 ngàn tấn ra vào và có thể trực tiếp tới các cảng khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Sản lượng hàng hóa qua các cảng Hải Phòng đã tăng nhanh từ 4,6 triệu tấn năm 1995 lên 168 triệu tấn vào năm 2022, tăng 36 lần, giữ vững vai trò, vị trí là “cửa ngõ” của phía Bắc.
Quy mô thành phố được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với định hướng từng bước trở thành đô thị quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 32% năm 1995 lên 45,8% năm 2022. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại hình thành 13 khu công nghiệp gắn với hệ thống cảng biển, logistics với tổng diện tích 6.500 ha, trong đó lấn biển 1.163 ha. Hạ tầng cấp điện, nước, thông tin, viễn thông được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đã có 100% số xã hoàn thành chương trình nông thôn mới, trong đó 22 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện
Tuy nhiên, TS. Phạm Hữu Thư cho biết thêm bên cạnh những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế trong phát triển của Hải Phòng là: Lĩnh vực dịch vụ còn phát triển chưa tương xứng nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đường sắt còn lạc hậu; chưa có hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Tốc độ đô thị hóa chưa đạt yêu cầu: Dân số tăng chậm, chưa đạt tỷ lệ 50% dân số đô thị và chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút dân cư của một đô thị lớn.
Năng lực cạnh tranh của Hải Phòng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức khiêm tốn so với các thành phố trên thế giới. Theo xếp hạng nêu trên của UN Habitat và CASS thì Hải Phòng xếp thứ 669 về chỉ số EC - năng lực cạnh tranh kinh tế (Economic Competition) đạt 0.559 điểm và thứ 693 về chỉ số SC - năng lực cạnh tranh bền vững (Sustainable Competition) đạt 0.248 điểm.
Một số giải pháp thực hiện QHC - 2023
Từ thực trạng các đô thị trên thế giới nói chung và Hải Phòng nói riêng, TS. Phạm Hữu Thư đưa ra một số giải pháp thực hiện QHC – 2023.
Một là, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” dựa trên cơ sở phát triển các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm điện tử, điện tử viễn thông, ô tô điện, năng lượng tái tạo,.... Hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ nhất là dịch vụ cảng biển để Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ cảng, vận tải biển, logistics lớn của cả nước và quốc tế. Hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ hàng không, tài chính, ngân hàng; nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các dịch vụ thương mại, du lịch. Bên cạnh đó cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới như nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do.
Hai là, cần có nhận thức mới về tầm nhìn xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng theo xu thế phát triển chung của các đô thị trên thế giới, nghĩa là xây dựng và phát triển Hải Phòng theo hướng đô thị tích hợp “3 trong 1”: vừa là thành phố toàn cầu (hoặc thành phố hàng hải toàn cầu), vừa là thành phố thông minh và vừa là thành phố xanh. Thành phố toàn cầu nhằm phát huy vai trò lợi thế của thành phố cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối nhằm thu hút các “đại bàng” – các tập đoàn xuyên quốc gia đến đầu tư, làm ăn lâu dài. Thành phố thông minh giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị và phát triển đô thị gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thành phố xanh hướng tới mục tiêu phát triển xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, xây dựng thành phố thân thiện, đáng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
TS. Phạm Hữu Thư thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng. |
Ba là, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng Trung tâm đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm gắn với thành lập thành phố mới Thủy Nguyên, thành lập một số quận mới thì cần coi trọng việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị trung tâm đô thị lịch sử, vì đây là hồn cốt, bản sắc, nét văn hóa đặc trưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Cần sớm có phương án bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp, nhất là các công trình đang là trụ sở của các cơ quan hành chính nhà nước trước khi di chuyển trung tâm hành chính, chính trị sang khu vực Thủy Nguyên vào năm 2025. Cần hình thành ở đây một không gian kinh tế, văn hóa sống động, tạo thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện QHC-2023.
Bốn là, đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhất là mở rộng và hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Đặc biệt là cần sớm nghiên cứu quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông ngầm hoặc trên cao kết hợp với vận chuyển bằng xe buýt để giảm tắc nghẽn giao thông, kết nối thuận lợi với trung tâm mới của thành phố và các khu công nghiệp.
Năm là, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế gắn với hoàn thiện cơ chế chính sách có tính đột phá cao hơn nữa cho Hải Phòng. Kiến tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi, có tính cạnh tranh cao để thu hút các công dân toàn cầu đến sinh sống và làm việc, tận dụng kinh nghiệm và chất xám của họ làm cầu nối, xúc tiến quá trình kết nối, đầu tư của các doanh nghiệp, chọn thành phố là điểm đến lý tưởng để làm ăn lâu dài và sinh sống.
Sáu là, rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân lực, nhất là nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế; đẩy mạnh hơn các hoạt động xúc tiến, khuyến khích đầu tư quốc tế vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Hàng Hải, Trường Đại học Y Hải Phòng, xây dựng đại học quốc tế,…. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động dạy nghề, phát triển các trường dạy nghề. Xúc tiến, khuyến khích, hỗ trợ cho việc hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo chất lượng cao của nước ngoài. Thực hiện đào tạo nghề trình độ cao theo chuẩn quốc tế, hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Xây dựng nhà ở gắn với các tiện ích sinh hoạt cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt QHC-2023), trong đó đã đề ra yêu cầu Hải Phòng phát triển theo hướng đô thị hàng hải toàn cầu, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Đây là những vấn đề mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong quy hoạch lần này đồng thời cũng là mục tiêu mà Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.