Nổi đau của một người phụ nữ…
“Thưa tòa, tôi như chết lặng khi hay tin chồng tôi qua đời vì bánh xe của chính bị cáo này” - vừa nói, người phụ nữ (đại diện cho gia đình nạn nhân) chỉ vào bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa – “Chồng mất, 2 con tôi còn nhỏ, giờ tôi và các con sống sao đây, đề nghị tòa phải tuyên bồi hoàn số tiền…” , người phụ nữ tiếp tục nói với tòa.
“Đó, bị cáo thấy không, bị cáo thấy hành vi của mình nguy hại thế nào chưa?” Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo. Bị cáo lí nhí thưa tòa “Dạ, dạ…” rồi làm thinh, Tòa cho gọi mẹ bị cáo lên – Trong vụ án này, do bị cáo là vị thành niên nên đại diện cho bị cáo là mẹ của bị cáo – Sau 3 câu hỏi của chủ tọa phiên tòa mà mẹ bị cáo cũng im lặng. Chủ tọa nói lớn vào micro “Bà có thấy nỗi đau của người ta không, chồng chết, 2 con nhỏ, họ sẽ sinh sống thế nào đây…”
Chủ tọa nói đến đây thì mẹ bị cáo bật khóc nức nở tại tòa, nhiều người ngơ ngác chưa rõ những giọt nước mắt này là gì thì…
Luật sư “trưng tình tiết” – 2 phụ nữ cùng một nỗi đau…
Phiên tòa đang vào hồi gây cấn, phía gia đình nạn nhân khăng khăng xử nặng, bồi hoàn cao. Trong khi phía mẹ bị cáo chỉ… khóc ròng. Chủ tọa khéo léo “xoa dịu” tình hình, nhưng xem chừng cũng khó “êm”.
Bất chợt một vị luật sư đứng lên, giọng nhỏ nhẹ “Thưa tòa, tôi là luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM, tôi xin cung cấp một tình tiết là… bị cáo cũng mồ côi cha lúc 18 tháng tuổi, mẹ bị cáo mất chồng cũng vì… tai nạn giao thông và cũng nuôi 2 con nhỏ như trường hợp mà tòa đang xét xử”.
Mọi ánh mắt lúc này dồn về phía người phụ nữ đang khóc – mẹ bị cáo – người mà luật sư vừa cho biết là “Mất chồng cũng vì tai nạn giao thông”.
Phiên tòa đang “dầu sôi, lửa bổng” thì như “đứng lại”. Chủ tọa nhanh chóng “xử lý”tình huống “Như vậy cả 2 bà mẹ đều có nỗi đau chung, mất chồng vì tai nạn giao thông và cùng tay xách, nách mang 2 con nhỏ, đau lòng quá…” Giọng vị chủ tọa nhỏ dần…
Trong phòng xử có tiếng râm rang “Tội thật, tội quá…”.
Chờ có vậy, chủ tọa “bồi” thêm, phía bị hại có ý kiến gì về quan điểm mà Viện kiểm sát (VKS) vừa nêu không “2 năm tù treo và 2 năm thử thách, bồi hoàn 150 triệu đồng?”. Người bị hại đứng lên, tất các các ánh mắt dồn về chị này – người trước đó một mực phản đối mức án mà VKS đề nghị - Giọng chị nhỏ nhẹ:
“Thưa tòa, tôi không có ý kiến gì thêm, bây giờ tôi mới biết gia cảnh của chị cũng như tôi…”
Có 1 tiếng vỗ tay nhẹ sau lời của vợ nạn nhân. Chủ tọa nhanh chóng cho phiên tòa nghị án, nhưng cũng không quên “thòng”: “Hai bà mẹ cùng nỗi đau, tự thương lượng với nhau mức bồi hoàn thiệt hại đi, Tòa sẽ xử theo pháp luật, nhưng sẽ tôn trọng sự thỏa thuận này”.
Tòa nghị án, luật sư ghi ghi, chép chép điều gì đó vào tờ giấy rồi 2 người phụ nữ ký tên vào, vị luật sư nhanh chóng nộp cho tòa.
Trái tim nhân hậu của những người phụ nữ đồng cảm
Hơn 30 phút sau, Tòa tuyên án. Hai người phụ nữ rời phòng xử.
Đầu tiên là người phụ nữ - vợ nạn nhân - rời phòng xử trước, bước đi vài bước chân, người này dừng lại. Người phụ nữ mẹ bị cáo bước lên, cả hai sánh bước bên nhau, họ cùng trò chuyện.
Vị luật sư từ phía sau bước nhanh qua mặt hai người rồi cười “ẩn ý”: “Hai người mẹ, người vợ đau khổ đang tâm sự gì đó, về nhanh kẻo trời mưa”.
Hai người phụ nữ cũng nở nụ cười nhẹ, một người nói “Chuyện của những chị em chúng tôi, luật sư đi chỗ khác cho, chừ là lúc chúng tôi trao đổi để cùng nhau vượt qua nỗi đau và chia sẻ nuôi 4 đứa con chúng tôi trong vai trò vừa là mẹ, vừa là cha đây”.
Luật sư “hiểu ý” và như không muốn phá vỡ khoảng riêng của hai người, ông cười tươi bỏ đi thật nhanh. Hai người phụ nữ vẫn bước chầm chậm.
Chiều nay sân tòa có nắng nhạt, có gió thổi nhè nhẹ và có cả 2 trái tim đồng cảm của 2 người phụ nữ cùng một nỗi đau…
Chiều ngày 9/11/2015, TAND TP.HCM xét xử vụ tai nạn giao thông. Theo nội dung vụ án, vào lúc 20 giờ ngày 20/7/2014, tại đường vào chùa Pháp Thạnh (quận 12, TP.HCM) xảy ra vụ tai nạn giao thông.
Vào thời điểm trên, Nguyễn Q (vị thành niên) điều khiển xe máy, do không làm chủ tốc độ nên đã để bánh xe trước đâm thẳng vào ông Nguyễn Văn. Hậu quả là ông Văn tử vong 3 ngày sau đó tại bệnh viện.
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Ls TP.HCM) bảo vệ cho bị cáo trưng ra tình tiết gia cảnh của bị cáo và xin HĐXX cùng gia đình nạn nhân xem xét tuyên án nhẹ và bồi thường thiệt hại.
HĐXX chấp nhận lời bào chữa của luật sư, không tuyên án tù giam mà tuyên bị cáo Q 2 năm tù treo, 2 năm thử thách, bồi hoàn cho gia đình nạn nhân 150 triệu đồng (đây là mức bồi thường theo thỏa thuận của gia đình nạn nhân và bị cáo).
Theo cung cấp của luật sư tại tòa, cha bị cáo bị tại nạn giao thông khi bị cáo 18 tháng tuổi, mẹ bị cáo nuôi 2 con, trong đó có bị cáo. “Lúc đó mẹ bị cáo chỉ đòi bồi thường 4 triệu đồng và cũng xin cho bị cáo án nhẹ và hiện bị cáo này đã mãn hạn tù, hòa nhập tốt với cộng đồng” LS nói tại tòa.