> Những 'bóng hồng' rạng rỡ tiếp sức mùa thi
> Đề Toán không khó đạt điểm cao
Hai mẹ con cùng mắc chứng xương thủy tinh trên đường về ký túc xá sau khi kết thúc môn Toán. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giữa trời nắng gắt, bà Trần Thị Liên (40 tuổi, trú tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) vịn cánh cửa đứng chờ con gái Võ Thị Thanh Thảo trước hội đồng thi ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Biết tin con làm được bài, hai mẹ con vui vẻ dắt nhau về khu ký túc xá của trường nghỉ tạm. "Phải gắng thi cho tốt. Cả nhà trông chờ vào con đó", bà động viên cô con gái.
18 tuổi, Thảo nhỏ thó, cao chừng hơn 1m, đi lại khó khăn. Bà Liên giọng buồn rầu cho biết mình bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ khi 26 tuổi. Còn Thảo, khi học lớp 9 bị tai nạn giao thông, gãy chân. Khi điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết bị di chứng xương thủy tinh từ mẹ.
Hai người em của Thảo là Võ Hoài Anh Thi và Võ Minh Thiện cũng mắc chứng bệnh này, hiện cả hai đã nghỉ học ngang lớp 8 và lớp 6 do xương mọc ngược từ bàn chân, vỡ thành nhiều đoạn. Bốn mẹ con được Nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng/người/tháng theo diện người tàn tật.
Mắt ngấn nước, bà Liên nói gia cảnh khó khăn, bà làm nông nghiệp còn chồng Võ Tấn Thanh làm nghề phụ hồ, đồng lương bấp bênh. Cả nhà đều mắc bệnh nặng, không có tiền chữa trị. Riêng Thảo, suốt 12 năm học em phải đi bộ đến trường vì gia đình không đủ tiền mua xe đạp.
Bà Liên thấp thỏm chờ con trong ngày thi đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Mặc cảm với bệnh tật, đã có lúc Thảo nghĩ đến chuyện nghỉ học. Mỗi lần trái gió trở trời, toàn thân em lại đau nhức. "Nhưng biết hoàn cảnh của mình cũng như cả gia đình, em hạ quyết tâm thi đỗ đại học!", Thảo tâm sự. Tốt nghiệp THPT tại trường THPT Lê Lợi với 34,5 điểm, cô bé dồn hết thời gian ôn thi đại học.
Gần ngày thi, vợ chồng bà giành toàn bộ số tiền tích góp và vay mượn hàng xóm để đưa con xuống núi, dự thi khối V vào ngành Thiết kế đồ họa (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng). Hai mẹ con vừa bước xuống xe hôm 1/7 đã gây sự chú ý với các tình nguyện viên và có được một chỗ ở trong ký túc xá.
Đôi mắt cô bé ánh lên hi vọng khi tự tin môn Toán có thể cầm chắc trên 5 điểm, Thảo chia sẻ em ước mơ sẽ trở thành một họa sĩ giỏi. "Môn vẽ là sở trường của em. Năm lớp 9 em được giải nhì cuộc thi vẽ về quê hương, mái trường do một đoàn tình nguyện vì nạn nhân chất độc da cam tổ chức", cô bé khoe.
Thương bố mẹ tảo tần sớm tối, Thảo chỉ dự thi một trường đại học. "Con bé cứng cỏi nhất nhà và cũng là đứa có nghị lực khi phấn đấu học hết lớp 12. Cả gia đình đều hi vọng con sẽ đậu được đại học để tự giúp mình và sống có ích hơn cho xã hội", bà Liên nói, khẽ nắm chặt tay con.
Theo Nguyễn Đông
VnExpress