> Nỗi niềm của Ba Nhiều
> Cậu học trò quên mình cứu người
> Mẹ HS xả thân cứu người được phụng dưỡng hết đời
Ông Ba Nhiều (gần 60 tuổi) thường xuyên nhận các cuộc gọi cầu cứu gần 20 năm nay. |
Lên đời xe cứu thương
Trước kia, nhà ông Huỳnh Văn Nhiều (Ba Nhiều) chỉ có mảnh vườn. Hai vợ chồng chăm bẵm cây trái, tích cóp cũng nuôi được bốn người con ăn học. Thế rồi, thành phố ngày một phát triển. Xe tải, xe ben ầm ầm chạy qua vùng quê thanh bình này ngày một nhiều. Xe máy cũng dần tràn ngập đầu thôn, cuối xóm. Tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa.
“Lúc đó làm gì đã có taxi, khi có cấp cứu cứ đưa lên xe máy chở đến trạm xá, bệnh viện. Bà con nghèo, đâu phải ai cũng biết sơ cấp cứu. Nhiều khi đưa tới bệnh viện, bác sĩ thở dài bảo giá như để người bệnh nằm yên rồi mang đến thì cơ hội cứu chữa cao hơn nhiều”, ông Ba Nhiều kể.
Những câu chuyện thương tâm khiến ông Ba Nhiều càng thêm trăn trở. Một đêm, đang nằm gác trán suy nghĩ, ông lay vợ dậy bảo: “Mình ở thôn quê, đợi xe cấp cứu đến nơi thì đã quá muộn. Hay là mình dùng số tiền gom góp bấy lâu nay mua cái xe ô tô. Khi có ai hoạn nạn mình đưa người ta đến bệnh viện”.
Bà Ba Nhiều bần thần nghĩ đến số tiền hai vợ chồng cực khổ làm lụng, định bụng để dành mua mấy miếng đất cho con cái sau này, nhưng thấy chồng quyết chí làm việc thiện, bà cũng thở dài đồng ý.
Ngày hôm sau, ông Ba Nhiều mua ngay một chiếc xe ô tô bằng số tiền 40 triệu đồng gom góp bao nhiêu năm. Lúc ông chạy xe về, cả nhà ngỡ ngàng khi trông thấy ông Ba Nhiều chễm chệ sau vô lăng chiếc KIA loại... bán tải.
“Cách đây gần hai chục năm, đó là một số tiền lớn, vậy mà chỉ đủ mua chiếc xe bán tải. Thôi cũng đành liệu cơm gắp mắm, tui bèn lắp thêm cái thùng phía sau xe để tránh mưa nắng. Vậy là cũng đủ chạy xe đi cứu người rồi”, ông Ba Nhiều kể.
Ông Ba Nhiều (gần 60 tuổi) bên xe cứu thương của mình. ảnh: PV. |
Từ đó, mỗi lần nghe ở đâu có tai nạn, ông lại hối hả leo lên chiếc xe bán tải, hăm hở chạy đi cứu người. Một đồn mười, mười đồn trăm, số điện thoại ông Ba Nhiều trở thành đường dây nóng, bà con nhớ nằm lòng.
Từ tai nạn giao thông, ngã kênh, chết đuối cho đến cấp cứu tại nhà, tai biến, cao huyết áp, gãy tay chân, thậm chí chồng đánh đập vợ, người dân cũng gọi điện cho ông Ba Nhiều. “Khi có sự vụ, kiểu gì chẳng có người bị thương. Công an số điện thoại bao nhiêu chưa biết nhưng cứ gọi cho bác Ba Nhiều tới lo cấp cứu cái đã”, ông Nguyễn Văn Toàn, người dân ấp 2, xã Nhị Bình nói.
Ông Ba Nhiều xin Ủy ban, Hội Chữ Thập đỏ xã để dán dòng chữ “Hội Chữ thập đỏ” phía trước xe. Trên đầu xe cũng được gắn đèn cấp cứu. Còi hụ được Ba Nhiều chế từ cái loa phóng thanh. Từ đó, mỗi lần nghe tiếng còi “hổng giống ai”, bà con trong vùng biết ngay là xe cứu thương của ông Ba Nhiều, đều dạt qua hai bên nhường đường. |
Đến năm 2000, có thêm ít tiền, ông Ba Nhiều lại bàn vợ chuyện… lên đời. “Trước giờ chỉ nghe nói người ta lên đời nhà lầu, biệt thự, xe hơi. Đằng này ổng lại đòi lên đời… xe cấp cứu”, bà Ba Nhiều kể. Vợ con chẳng ai phản đối chuyện ông làm việc thiện. Ông Ba Nhiều gom góp tiền bạc trong nhà được 200 triệu đồng, mua chiếc xe Hyundai 12 chỗ ngồi. Xe có đầu đĩa CD, ghế nệm, máy lạnh...
Ngày trước, chạy chiếc xe cấp cứu loại bán tải cọc cạch, nhiều người cũng e ngại không dám đưa người thân lên. Từ năm 2000 tới giờ, chiếc Hyundai 12 chỗ ngồi của ông là cứu tinh của nhiều bà con không chỉ trong vùng mà còn các quận lân cận, huyện ngoại tỉnh.
Để “chuyên nghiệp hóa” công tác cứu thương, ông Ba Nhiều đi học thêm các khóa sơ cấp cứu do Ủy ban, Hội Chữ Thập đỏ xã tổ chức. Học xong, ông trang bị thêm túi cứu thương với đầy đủ dụng cụ sơ cấp cứu. Ba Nhiều còn làm thêm các thanh nẹp để cố định xương khi gặp trường hợp người bị tai nạn giao thông, ngã khi trèo cây...
Buồn vui chuyện cứu người
Hiện nay, đội cứu thương gia đình của ông Ba Nhiều (gần 60 tuổi) có ba tài xế thay phiên nhau gồm ông, con trai và con nuôi.
Cứ có người gọi báo là ông chạy đi. “Người ta nằm đó gần chết đến nơi, mình còn phân định xem người ta có khó khăn hay không mới giúp thì ác nhơn quá”, ông Nhiều nói.
Đối với người nghèo, một chuyến taxi lên Bệnh viện Đa khoa Củ Chi cũng 400 ngàn đồng, về bệnh viện ở thành phố cũng từ 700 ngàn đến một triệu đồng. Ông Ba Nhiều không lấy một xu.
Ở gần cũng có, ở xa tận Củ Chi, Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) cũng có. Có người là dân trong vùng khi bị tai nạn ở địa phương khác cũng gọi cho tui. Từ lúc tui chạy xe cấp cứu tới giờ, chỉ nghĩ chuyện cứu người, có mong ai đền đáp gì đâu mà ghi sổ sách. Ông Ba Nhiều |
Gần 20 năm nay, ông cứ bon bon trên chiếc Hyundai tự chế xe cấp cứu của mình, chẳng màng một đồng của thiên hạ. Có người giàu, đưa tiền đổ xăng ông cũng không nhận. Ông bảo khi nào có nhà ai nghèo khó, hoặc gặp chuyện tang ma, bà con quyên góp cho người ta qua cơn hoạn nạn. Vì thế, ở xã Nhị Bình, khi nào có nhà nghèo gặp chuyện khó khăn, ông Ba Nhiều lại vận động đặt một chiếc thùng từ thiện.
“Hôm rồi có đứa bé sẩy chân chết đuối ở cầu Bà Hồng. Nhà nghèo không có tiền làm đám tang, phải đặt chiếc thùng kêu gọi lòng hảo tâm của bà con. Vậy mà chỉ trong 4 tiếng đồng hồ đã quyên góp được 30 triệu đồng”, ông Ba Nhiều nói.
Ngày trước, mỗi khi ông chở người bệnh đến, bệnh viện đều giữ lại vì nghĩ ông là người gây tai nạn. Không ít lần gia đình người bị nạn kéo đến bệnh viện, không rõ sự vụ gì đã lôi ông Ba Nhiều ra đánh đập, la mắng. Đội cứu thương gia đình ông Ba Nhiều giờ đã quen mặt các bệnh viện, trạm xá. Có người bị nạn sống lang thang không có gia đình, ông Ba Nhiều lại phải bỏ tiền túi ra cứu chữa.
Hôm rồi, có một tổ chức cho ông 10 triệu đồng để đổ xăng, sửa xe. Ông Ba Nhiều chia hết cho 5 nhà nghèo nhất trong ấp, mỗi nhà 2 triệu đồng. Điều ông Ba Nhiều cứ buồn mỗi lần lên xe đi cứu người là ngày càng nhiều người vô cảm.
“Ngày xưa tui chạy xe đến, vừa mở cửa là bà con hè nhau khiêng người lên xe, rồi mấy người không quen biết cũng leo lên xe cùng tới bệnh viện. Bây giờ người đứng xem thì nhiều, mà ít ai chịu giúp. Có lần chỉ một mình tôi vừa sơ cứu, vừa bế người ta lên xe”, ông Ba Nhiều kể.