Tập đoàn Hòa Bình:

Hai đề xuất đột phá cho phát triển

TP - Một số Hiệp hội, doanh nghiệp và Tập đoàn Hòa Bình vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng, lãnh đạo trung ương đề xuất cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Xây dựng Trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng

Hiệp hội đầu tư nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, Viện Phát triển kinh tế bền vững và Tài chính carbon, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng ECC, Công ty TNHH Rieckermann Việt Nam, Công ty CP Tư vấn và Đầu ưu Invest Global và Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng đề xuất cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Hai đề xuất đột phá cho phát triển ảnh 1

Trung tâm thương mại V+ tại 505 Minh Khai, Hà Nội do Tập đoàn Hòa Bình đầu tư

Công ty Hòa Bình đã gửi văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho Công ty được ứng tiền giải phóng mặt bằng 80 ha đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại V+ (TTTM V+) miễn phí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quá trình xây dựng đề án TTTM V+, Công ty Hòa Bình đã có tham khảo ý kiến của các Hiệp hội đầu tư nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chuyên gia kinh tế. Nếu dự án TTTM V+ được triển khai sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước và người dân tiêu thụ được sản phẩm đồng thời điều tiết được sản xuất, vì miễn phí mặt bằng sẽ làm giảm giá thành các sản phẩm ở mức tối thiểu là 30%.

TTTM V+ này sẽ cung cấp các sản phẩm rẻ nhất thế giới, thu hút người Việt Nam ở trong nước không cần ra nước ngoài mua sắm, đồng thời thu hút được khách hàng nước ngoài đến Việt Nam mua sắm hàng hóa. Vì mua sắm là nhu cầu của 90% khách du lịch đến Việt Nam họ mong muốn mua được hàng hóa rẻ hơn nơi mình sinh sống. Việc này cũng sẽ giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thu hút mỗi năm ước tính có khoảng 100 triệu người đến du lịch.

Công nghệ mới cho đường cao tốc

Hai đề xuất đột phá cho phát triển ảnh 2

Ông Nguyễn Hữu Đường trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về công nghệ mới cho đường cao tốc

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình cho hay: Tháng 9/2023 công ty Thương binh nặng Hòa Bình đã thành lập Ban quản lý dự án, thực hiện làm mẫu đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực. Thành phần tham gia Ban quản lý dự án gồm các chuyên gia của Công ty Hòa Bình, các chuyên gia của Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam, các chuyên gia cầu đường Việt Nam, các chuyên gia Tập đoạn Rieckermann - CHLB Đức và là đại diện cho Tập đoàn Elematic - Phần Lan, các chuyên gia Tập đoàn xây dựng và phát triển đường cao tốc Quảng Tây.

-Cuối tháng 1/2024, các đường mẫu đường cao tốc trên cọc dự ứng lực là đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực đã nghiệm thu thử tải thành công. Đồng thời Công ty Hòa Bình đã đăng ký chứng nhận quyền tác giả các đường mẫu nói trên.

- Tháng 2/2024, Công ty Hòa Bình đã triển khai xây dựng đường cao tốc trên cọc dự ứng lực tại khu công nghiệp phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện thuộc thành phố Hải Phòng.

Hai đề xuất đột phá cho phát triển ảnh 3

Viện KHCN Bách khoa Đà Nẵng kiểm tra chất lượng kỹ thuật đường theo công nghệ mới tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu-Lạch Huyện (Hải Phòng)

Tháng 4/2024 đường cao tốc trên cọc dự ứng lực đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tháng 6/2024, mẫu đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực, cũng như dầm bản rỗng ứng xuất trước và cọc ly tâm V+ đã được Trung tâm khoa học công nghệ đầu tư thuộc trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thẩm định, kết quả thẩm định đã được báo cáo với Tổ công tác do Viện khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Tiêu chuẩn chất lượng của đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực cũng như các loại vật liệu đều đạt tiêu chuẩn mà Việt Nam đã ban hành. Hiệu quả của hai hệ thống đường nói trên thể hiện ở chỗ: thay thế biện pháp thi công cầu cạn dùng đất và cát để làm nền đường mà hiện nay Việt Nam và trên thế giới đang thi công (dùng trụ bê tông cọc nhồi, dầm và bê tông cốt thép nền đường).

Biện pháp thi công cầu cạn của Công ty Hòa Bình là dùng cọc ly tâm và các tấm panel dầm bán rỗng, giải pháp này sẽ tiết kiệm vật liệu bê tông cốt thép thân thiện với môi trường, tiêu thụ được lượng lớn xi măng, sắt thép tồn kho, giúp cho hàng triệu người lao động trong ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có công ăn việc làm. Quan trọng hơn là giá thành đầu tư chỉ bằng 40% đến 50% chi phí mà hiện nay đang phải chi trả cho các dự án, thời gian thi công có thể rút ngắn từ 3 năm xuống còn 1 năm…

Theo như tính toán của Công ty Hòa Bình, nếu như các đề án nói trên được ủng hộ thì Việt Nam sẽ sớm rút ngắn được thời gian làm đường cao tốc và đường sắt. Và đến năm 2030 Việt Nam sẽ là quốc gia thu hút du lịch hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để phát triển bền vững, Việt Nam sẽ sớm đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao.

Ngày 31/7/2024, Bộ Giao thông vận tải có văn bản số 8126/BGTVT-CQLXD trả lời Công ty Hòa Bình: Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao việc Công ty Hòa Bình đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sử dụng giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông, thể hiện sự quan tâm và tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với ngành giao thông vận tải. Đề án làm đường mẫu đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực của Công ty Hòa Bình có nhiều ưu điểm: thi công nhanh, thân thiện với môi trường…

Ông Nguyễn Hữu Đường khẳng định, sau khi báo cáo và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng và lãnh đạo trung ương, Công ty Hòa Bình sẽ chuyển giao các thiết kế, biện pháp thi công… để Chính phủ nghiên cứu, làm cơ sở xây dựng gói mời đấu thầu các dự án đường cao tốc (cầu cạn và đường sắt) trong nước cũng như quốc tế.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Đường cho hay, sau nhiều năm lăn lộn với thương trường, điều ông mong mỏi nhất là tham gia tiếp sức được các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong khâu phân phối sản phẩm, tìm đầu ra cho hàng Việt. Ông Đường cũng dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu công nghệ mới làm đường cao tốc với mong mỏi tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian hoàn thiện hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc.

MỚI - NÓNG
'Bằng cấp ghê gớm, nhưng không kỹ năng thì chỉ có thể... bán kem trước cổng nhà máy'
'Bằng cấp ghê gớm, nhưng không kỹ năng thì chỉ có thể... bán kem trước cổng nhà máy'
TPO - Ông Hoàng Bình Quân – nguyên Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng: “Cần phải trang bị cho thanh niên Việt Nam những kỹ năng để cạnh tranh toàn cầu, để có được việc làm trong thị trường lao động quốc tế ngày càng rộng mở. Anh có thể tốt nghiệp bằng cấp ghê gớm, nhưng không kỹ năng thì chỉ có thể… bán kem trước cổng nhà máy mà thôi”.