Dự kiến giảm 30-40% đầu mối
Theo GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ông yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo văn phòng, ban chức năng trong toàn ĐHQGHN cần phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy quán triệt, tổ chức thực hiện bảo đảm khoa học với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả.
Sinh viên ĐHQGHN trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NGHIÊM HUÊ |
Ban Giám đốc ĐHQGHN và thủ trưởng một số đơn vị dự kiến giảm đầu mối tổ chức và đội ngũ trong thời gian tới như: cơ quan ĐHQGHN dự kiến giảm 35-40% các ban, phòng và 15% biên chế.
Trước đó, ĐHQGHN đã triển khai hợp nhất nguyên trạng BQL các dự án và BQL Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc thành Ban Quản lí dự án trực thuộc ĐHQGHN.
Ông Quân khẳng định, đây cũng là cơ hội để ĐHQGHN được Đảng, Chính phủ đầu tư vươn tầm, nâng tầm quốc tế về mọi mặt, phát triển bền vững trong thời gian tới.
ĐHQGHN cũng thảo luận, đưa ra các giải pháp để thủ trưởng các đơn vị nắm rõ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên; gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết. Hầu hết các thủ trưởng đơn vị đều thống nhất đồng ý chủ trương chung của ĐHQGHN theo Nghị quyết 18.
Ban Thường vụ, Ban Giám đốc ĐHQGHN cũng đề nghị các đơn vị thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không để khoảng trống pháp lí và xây dựng phương án để khi sắp xếp xong thì bắt tay ngay vào công việc. Ngoài ra, ĐHQGHN sẽ tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2026.
Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, 2 đại học quốc gia khẩn trương thành lập tổ công tác có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết về mô hình tổ chức bộ máy 2 ĐHQG, phương án cải cách, tinh gọn bộ máy để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho hay, từ năm 2015 đến 2024, ĐH này cắt giảm 3 đầu mối quản lí, chiếm tỉ lệ 10% tinh giảm bộ máy; số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước/tổng số viên chức làm việc tại ĐHQGTPHCM cũng giảm dần theo thời gian. Năm 2015 có 3.502/5.603 viên chức tại ĐH này nhận lương từ ngân sách nhà nước (chiếm tỉ lệ 62,5%), đến năm 2024 chỉ còn 1.154/6.400 viên chức (chiếm tỉ lệ 18%).
Như vậy trong gần 10 năm qua, số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước tại ĐHQGTPHCM giảm 2.348 người. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Năm 2024, ĐHQGTPHCM có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (chiếm tỉ trọng 66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (chiếm tỉ trọng 34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
GS. Vũ Hải Quân cho biết, ĐH này đã cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là phương hướng trong thời gian tới. Đại học Quốc gia TPHCM vừa có thêm một thành viên là Trường ĐH An Giang. Đội ngũ giảng viên, cán bộ của trường ĐH này nhận lương theo ngân sách nhà nước. Do đó, nếu không tính Trường ĐH An Giang thì ĐHQGTPHCM chỉ còn 200 cán bộ, giảng viên nhận lương từ ngân sách.
Mới đây, Chính phủ đề xuất chuyển 2 ĐHQG về Bộ GD&ĐT để quản lí, giao 2 ĐHQG đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.