Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa
“Ăn Tết Sài Gòn” là cụm từ mà mấy ngày nay, nhiều người dân ở những miền quên khác nhau thường hay nói bởi dại dịch COVID, họ không thể về quê. Và như một cái duyên, 2 tác giả vốn đều là nhà báo đã cho ra mắt các cuốn sách viết về Sài Gòn xưa, giúp những người “Ăn Tết Sài Gòn” có thể trải nghiệm, khám phá những ngõ ngách xưa cũ của mảnh đất đã được họ coi như là quê hương thứ 2 của mình.

Sài Gòn- Ngoảnh lại trăm năm

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 1 Bìa cuốn "Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm".

Tác giả của cuốn sách là nhà báo Phạm Công Luận. Ông vốn được coi như một nhà nghiên cứu của Sài Gòn khi đã ra nhiều cuốn sách khảo cứu về Sài Gòn xưa được bạn đọc quan tâm. Với Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm, Phạm Công Luận tiếp tục đưa ra những hồi ức, những sưu khảo và ghi chép về văn hóa, lối sống phố thị của Sài Gòn - Gia Định. Vẫn chọn lối viết tản văn về ký ức cộng đồng, nhưng được đặt trong một cấu trúc chặt chẽ hơn, cuốn sách này là một chọn lựa tiếp cận Sài Gòn - Gia Định mang nhiều dấu ấn cá nhân. Đó là hồi ức của những người đã thấy Bến Nghé xưa, câu chuyện về căn nhà, trang phục, phong cách sống, thưởng thức nghệ thuật, giải trí, ẩm thực, nghề nghiệp mưu sinh… của thị dân nhiều tầng lớp và cả sự gia nhập, thích ứng, đóng góp vào giá trị Sài Gòn của những người nhập cư.

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 2 Nét Sài Gòn xưa qua ký hoạ trong sách.

Thông qua Sài Gòn- Ngoảnh lại trăm năm, độc giả có thể thấy là một Sài Gòn tự tại, ung dung và chậm rãi, một Sài Gòn biết tiết chế và tự cân bằng trên những câu chuyện tưởng đã thuộc về quá vãng. Bên cạnh đó trong một Sài Gòn cuồn cuộn đổi thay, việc nâng niu ký ức cộng đồng theo cách mà tác giả cuốn sách này đang làm chắc rằng không lạc lõng và vô ích, nếu ta tin rằng, một thành phố chỉ có thể là nó, độc sáng khi kho tàng ký ức và bản sắc được coi trọng. 

Từ chính vốn sống, sự trải nghiệm của một người Sài Gòn, Phạm Công Luận đã thu thập và kể lại những câu chuyện về một Sài Gòn trăm năm. Tất cả những câu chuyện ấy xâu chuỗi như thể một kho phim tài liệu quý giá về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố…

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 3 Chợ Bến Thành ngày xưa (Ảnh TL).

Trong lời bạt, tác giả đã viết: “Đây không phải là cuốn sách biên khảo. Tôi giữ quan niệm: viết những điều nghiêm túc bằng cách thức dễ tiếp nhận và có cảm xúc, nên độc giả không khó đến với nội dung cuốn sách này qua những bài sưu khảo, hồi ức và ghi chép đan xen nhau. Tôi không có quê hương ấp ủ một tuổi thơ để trở về theo chiều không gian. Nên khi viết cuốn sách về cuộc sống trăm năm qua của Sài Gòn – Gia Định này, đối với tôi, như được về quê hương bản quán bằng chiều thời gian. Đây là hành trình thú vị nhưng đầy thách thức, như lâu nay tôi vẫn gặp khi viết về chủ đề Sài Gòn xưa…. 

Nhưng rất tiếc, với độ nén chặt của vùng đất bộn bề đa dạng này, những cố gắng để viết cuốn sách này chỉ như là cuộc phiêu lãng lướt trên bề mặt những gì đã qua. Từ cảm nhận cá nhân, tìm hiểu qua tài liệu và lời kể, ít ra trong tôi đã hình dung được phần nào những gì người thân đã khuất của tôi, ông bà cha mẹ và những người thân thuộc khác ở Phú Nhuận, Bình Thạnh, Chợ Lớn và Khánh Hội… đã từng trải qua trong một thế kỷ 20 đầy biến động, để chia sẻ với những ai cùng quan tâm”.

Sài Gòn một thủa- Dân ông Tạ đó

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 4 Bìa cuốn "Sài Gòn một thủa- Dân Ông Tạ đó".

Nếu như với Sài Gòn- Ngoảnh lại trăm năm của Phạm Công Luận được viết với sự trải dài theo thời gian và không gian của một Sài Gòn rộng lớn thì cuốn Sài Gòn một thủa- Dân Ông Tạ đó của nhà báo Cù Mai Công lại viết về không gian hẹp, chỉ là khu chợ Ông Tạ (Quận Tân Bình) với khoảng thời gian của vài chục năm. 

Mảnh đất mang tên Ông Tạ, nơi được hình thành từ sau những ngày đất nước bị chia cắt, những người Bắc di cư đã tới đây, đem theo lối sống và văn hoá của vùng quê Bắc bộ để rồi cùng với những người dân bản địa đã hình thành một vùng đất với những nét văn hoá đặc trưng rất riêng. Nhưng nét riêng đó của khu chợ Ông Tạ đã hoà vào trong với bản sắc đa vùng miền để tạo thêm sự phong phú cho mảnh đất Sài Gòn. Là một cây bút giàu kinh nghiệm. một người con lớn lên ở khu Ông Tạ Sài Gòn vào đúng giai đoạn lịch sử nhiều biến động, tác giả Cù Mai Công đã dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm Sài Gòn một thuở -dân Ông Tạ đó.

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 5 Mộ ông Tạ- Người được lấy tên đặt cho khu Ông Tạ.

Trong lời phê bình đầu cuốn sách đã viết: “Sài Gòn là vậy, hào sảng đón những người dân  tứ xứ tụ về, rồi chính những con người lại khi sống gần nhau, lại làm nên bản sắc cho một địa danh. Nói "dân Ông Tạ đó!" là người ta nhớ tới khu chợ Bắc với những món đặc sản giò chả, mắm tôm, bún chả..., nhớ bước chân vào Nam của người dân Bắc 54 cùng khát vọng sống và vươn lên mạnh mẽ, nhớ đại đồn Chí Hòa, những trại lính thời trước 75, những khu nghĩa địa với bao tin đồn hư hư thực thực, đặc biệt, đây là nơi quy tụ những văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ trước đến nay. "Những người muôn năm ấy" có khi nay không còn, hoặc đã đi muôn phương, nhưng một thời họ là "dân Ông Tạ", góp phần tạo nét riêng cho vùng đất này.

Hai cuốn sách 'độc' về Sài Gòn xưa ảnh 6 Chợ Ông Tạ ngày xưa (Ảnh TL).

Ông Tạ là một phần của Sài Gòn một thuở. Có nhiều người trẻ Sài Gòn hôm nay vẫn còn nghe "ngã ba Ông Tạ", thế nhưng "Ông Tạ" thực ra là ai, vì sao được lấy tên đặt tên ngã ba, tên chợ... thì nhiều người không rõ. Lịch sử và xã hội một thời được ghi lại tỉ mỉ và đầy thú vị qua ngòi bút của tác giả vốn là nhà văn - nhà báo từng trải. Anh nhớ tỉ mỉ đến từng ngõ nhỏ, quán cafe, những nhân vật một thời phong vân... với tình yêu mến và trân trọng. Và cuốn sách đã góp một mảng màu độc đáo trong những tác phẩm về Sài Gòn”.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.