Hai công trình gần 10.000 tỷ nối liền TPHCM - Cần Thơ trước ngày khánh thành
TPO - Ngày 24/12, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là hai công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối liền tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ, "chia lửa" cho Quốc lộ 1A để rút ngắn khoảng cách giữa thành phố mang tên Bác với các tỉnh, thành miền Tây.
Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu) vượt sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án xây dựng cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, khởi công từ ngày 19/8/2020.
Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang;) điểm cuối nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).
Tổng chiều dài dự án 6,61 km, trong đó, phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7 km (phía Tiền Giang 4,3 km, phía Vĩnh Long 0,4 km). Cấp đường: ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía Tiền Giang là 17 m, phía Vĩnh Long rộng 25 m (đồng bộ với bề mặt cầu). Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m.
Riêng phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) có chiều dài hơn 1,9 km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25 m. Nhịp chính cầu có kết cấu dây văng dài 650 m, nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276 m, khổ thông thuyền 37,5 m; hoàn toàn do các đơn vị trong nước thực hiện thiết kế, giám sát và thi công.
Trong quá trình thi công, công trình đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đến thăm, động viên cán bộ công nhân thi công dự án. Tại lễ hợp long cầu hôm 14/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị thi công đã vượt qua khó khăn để hoàn thành công trình trước thời hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mặc dù cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, giá nguyên liệu tăng cao và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng ta tự hào rằng, đây là cây cầu của Việt Nam, được làm từ nguồn vốn của đất nước, thiết kế, thi công, giám sát bằng chính những đơn vị trong nước và chúng ta đã hoàn thành tốt công trình.
Những công đoạn cuối cùng được gấp rút hoàn thành để khánh thành công trình đầy ý nghĩa này. Kỹ sư Huỳnh Minh Nhật (nhà thầu thi công cáp dự ứng lực), chia sẻ: "Dù tăng ca tăng kíp nhưng được đóng góp công sức cho công trình ý nghĩa này, chúng tôi tôi cảm thấy tự hào, là mơ ước bao lâu của bà con miền Tây".
Theo tuyến cao tốc từ TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, qua cầu Mỹ Thuận 2 là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án dài gần 23 km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, khởi công ngày 4/1/2021.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến khoảng 22,97 km. Dự án có điểm đầu tại Km107+363,08 (tương đương Km107+740, lý trình Dự án cầu Mỹ Thuận 2) thuộc địa phận phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối quốc lộ 1 hiện hữu), thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Tài xế Nguyễn Thái Cường (ngụ TP Cần Thơ) chia sẻ, khi thông tuyến cao tốc này, từ Cần Thơ đi TPHCM chỉ hơn 2 tiếng, trong khi trước đây, nếu đi nhanh cũng mất hơn 3 tiếng, hoặc gần 4 tiếng, thậm chí lâu hơn nếu kẹt xe. "Từ nay bà con miền Tây đi lại lên TPHCM, miền Đông đỡ nhiều, hàng hóa nông sản của miền Tây sẽ vươn xa, đáp ứng mong mỏi bao đời của bà con nông dân đồng bằng", anh Cường tâm sự.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m. Trước mắt, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết 80 km/h.
Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cầu Mỹ Thuận 2 nối đôi bờ sông Tiền, đưa khoảng cách từ miền Tây đến TPHCM gần hơn.