Hai anh em cán bộ Đoàn và hành trình thoát nghèo

Hai anh em cán bộ Đoàn và hành trình thoát nghèo
TP - Hiếm có nơi nào hai anh em ruột cùng đoạt giải thưởng Lương Định Của. Hai nhà nông trẻ tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa với mô hình chăn nuôi có tổng giá trị tài sản đến nay đạt trên 6 tỷ đồng ngay chính trên quê hương mình.

> 'Đầu ra' ở các trung tâm dạy nghề
> Lãng phí trong dạy chữ, dạy nghề

Từ tay trắng

Sau mấy lần hẹn gặp, tôi mới có dịp tiếp xúc với hai anh em từng lần lượt được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc lần thứ IV (2009) và lần thứ VII (2013).

 Trong xã có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, nhưng là thanh niên chưa lập gia đình mà trăn trở tâm huyết tìm hướng đi và đã thành công thì chưa ai được như anh em Lê Văn Đức và Lê Văn Đô

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc
Nguyễn Văn Hợp

Đến nơi mới biết, ngoài công việc là một Phó ban Chăn nuôi kiêm Phó bí thư xã Đoàn, anh Lê Văn Đức còn là chủ của hai trang trại lợn với trên 60 lợn nái sinh sản và hơn 500 lợn thịt ước trị giá tài sản gần 4 tỷ đồng. Người em Lê Văn Đô là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã kiêm Bí thư chi đoàn thôn Tân Phúc và là chủ của trang trại với khoảng gần 50 lợn sinh sản và 400 con lợn thịt trị giá trên 2 tỷ đồng.

Là anh cả trong gia đình thuần nông, năm 1999 nhờ thành tích học tập xuất sắc và tham gia các phong trào tích cực tại trường Trung cấp Nông lâm huyện Triệu Sơn nên Lê Văn Đức được kết nạp Đảng và trở về làng với mong ước được đem vốn kiến thức giúp dân làng thoát nghèo.

Sau một lần đi tham quan mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, anh Đức mạnh dạn làm đơn xin đấu thầu 2 ha đồi bỏ hoang lâu năm trước sự phản đối quyết liệt của cha mẹ và ánh mắt ngỡ ngàng của người thân. Năm đầu tiên trồng mía không mang lại hiệu quả kinh tế, anh Đức mạnh dạn chuyển sang đầu tư kinh tế trang trại tổng hợp VAC.

Năm 2003, thông qua Huyện Đoàn Vĩnh Lộc, anh Đức được vay 45 triệu đồng từ nguồn Quỹ của Trung ương Đoàn thuộc Chương trình 120 về giải quyết việc làm cho thanh niên. Ngày làm việc của anh Đức từ mờ sáng cho tới nửa đêm. Cơ duyên để anh Đức đến với chăn nuôi lợn hướng nạc rất tình cờ. Thông qua một bài báo mà anh lặn lội đến Ninh Bình năn nỉ mua lẻ hai con lợn giống. Thấy việc chăn nuôi lợn hiệu quả nên anh quyết định đầu tư chuồng trại nuôi lợn.

Cũng trong năm này, người em Lê Văn Đô đang là công nhân cầu đường với thu nhập khá cao nhưng cũng với suy nghĩ muốn được làm giàu trên chính quê hương của mình nên quyết định khăn gói về quê. Hai anh em Đức-Đô đầu tư chăn nuôi lợn.

Với trình độ chuyên môn lại thêm sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó chăm sóc nên đàn lợn của hai anh em sinh sản nhanh chóng. Năm 2005 sau khi trừ chi phí hai anh em thu lãi 21 triệu đồng. “Với một vùng quê nghèo thì số tiền này lúc bây giờ lớn quá sức tưởng tượng của chúng tôi và đó cũng là lí do khiến chúng tôi quyết định mở rộng trang trại”- anh Đức trải lòng.

Hành trình đến thành công

Năm 2006, hai anh em bán hết tài sản quay sang đầu tư trang trại lợn với số vốn lên đến 300 triệu đồng. Công việc đang thuận lợi thì bất ngờ cơn lốc lớn kèm theo mưa đá kéo qua Thanh Hóa khiến toàn bộ trang trại mới được xây dựng bị tốc mái, sập, hư hỏng nặng. Hai anh em trần lưng ngày đêm khắc phục hậu quả.

Tháng 10/2007, người dân khu vực Thanh Hóa - Nghệ An lại hứng chịu trận lũ lịch sử. Anh Đức kể, thời điểm đó, hai anh em nằm trên nóc nhà nhịn đói, nhịn khát, nhìn đàn lợn nái ngập trong nước mà nước mắt trào ra, vừa xót của, tiếc công thấy tương lai mù mịt.

Biết tin tài sản mà hai anh em Đức– Đô bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng đoàn cán bộ của Huyện Đoàn và xã Vĩnh Phúc đã đến thăm hỏi, động viên đồng thời cho vay thêm vốn để khắc phục hậu quả. Hai anh em lại quyết định dồn tiền đầu tư chăn nuôi lợn. Năm 2009 giá lợn hướng nạc đột ngột tăng từ 40 ngàn đồng/kg lên 67 ngàn đồng/kg, trừ chi phí không những trả đủ nợ mà hai anh em còn có vốn để tách trại.

Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình hai anh em Đức và Đô đã thu lãi gần 400 triệu đồng. Không những thế, thành công của hai anh từ năm 2005 đã góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi tại địa phương, tạo thêm thu nhập và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG