Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 229 ngày 26/3/2024 về tiếp tục tiếp dân, đối thoại thực hiện Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18/2/2024 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.
Theo kế hoạch, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong một cuộc tiếp công dân. Ảnh: PV. |
Việc triển khai thực hiện Quy định 11-QĐ/TƯ phải bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện thiếu sót, sai phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng về xử lý đơn, thư, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kế hoạch nhấn mạnh: Phải coi đây là công việc thường xuyên quan trọng thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức, thuộc thành phố; là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố.
Kế hoạch yêu cầu cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26/5/2014, Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kế hoạch cũng yêu cầu tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; kịp thời thực hiện các giải pháp ổn định tình hình, không để hình thành, phát sinh “điểm nóng” về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.