Hà nội: “Xóa sổ” nhà chung cư cũ nát, đến bao giờ ?

Hà nội: “Xóa sổ” nhà chung cư cũ nát, đến bao giờ ?
Đề án xóa bỏ nhà chung cư cũ nát đã được Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất HN triển khai khá lâu. Thế nhưng, xem ra mục tiêu hoàn thành đề án này vào năm 2010 khó thành hiện thực...

Có thể kể ra hàng loạt khu chung cư cũ nát được xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước như: Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Khương Thượng, Nghĩa Đô, Ngọc Khánh, Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Lôi, Mai Dịch...

Qua sự bào mòn của thời gian, nhiều khu nhà đã không thể sử dụng, cần phải phá dỡ và xây mới. Kết quả khảo sát mới nhất của ngành TN-MT&NĐ cho thấy: Hầu hết các nhà chung cư cũ này đều nằm trên nền đất yếu, phân bố phức tạp, có nhiều lớp bùn ở dưới (nhiều nơi bùn sâu 37 m).

Mặt khác, các khu nhà này đều được xây dựng hàng chục năm trước, nên có những hạn chế trình độ công nghệ khảo sát, thiết kế, thi công. Vốn đầu tư thấp, vật liệu xây dựng không đảm bảo, tiện nghi sử dụng sơ sài... cũng ảnh hưởng không nhỏ chất lượng công trình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các khu nhà này đều dùng móng nông, độ sâu từ 1,5 m đến 2,5 m so với mặt đất. Do đó, khi có lực tác động lớn (như địa chấn, tải trọng khung nhà...), các căn nhà loại này dễ bị biến dạng...

Những năm gần đây, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng (nứt, lún, nghiêng... ) như các khu chung cư Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ... Tại các khu này có tới 30% số nhà bị lún, hơn 200 nhà lắp ghép tấm lớn. Tại các khu như Thành Công, Thanh Xuân..., mức độ ăn mòn sắt thép liên kết mối nối tại vị trí tường ngoài tới 22,5%, vị trí bê tông mối nối bị phá vỡ, lớp gỉ thép dày 3-3,5 mm.

Đặc biệt, 70-80% chỉ tiêu quy hoạch tại các khu chung cư này bị vi phạm, khiến các chung cư trở thành mối nguy hiểm đối với sự an toàn của người dân.

Một trong những “tác nhân” gây hư hại nghiêm trọng các khu nhà chung cư chính là người sử dụng. 100% các khu chung cư đều bị cơi nới, sửa chữa, đục phá; thay đổi kết cấu, kiến trúc, hệ thống kỹ thuật công trình... Tại các khu nhà như C, D Kim Liên; B7b, C Thành Công; G4, G5 Thanh Xuân... diện tích cơi nới tại nhiều hộ ngang bằng, thậm chí có trường hợp nhiều hơn diện tích được cấp phép sử dụng.

Nhiều ngôi nhà chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Hàng ngàn người dân tại các khu chung cư này đang bị đe doạ bởi sự thiếu an toàn của chính ngôi nhà mình đang ở. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện để mua nhà mới, họ vẫn phải chấp nhận cuộc sống thiếu an toàn hàng chục năm nay...

2010: “Xoá sổ” nhà chung cư cũ nát?

Đề án “Cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới những nhà xuống cấp, hư hỏng nặng” đã được UBND TP Hà Nội giao cho Sở TN-MT&NĐ gần chục năm nay. Một trong những nhiệm vụ của đề án này là giải quyết vấn đề nhà chung cư cũ nát vào năm 2010.

Trước mắt, Hà Nội thí điểm thực hiện việc sửa chữa, cải tạo, chống lún nứt cho 12 công trình hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách. Số tiền để thực hiện công việc này ước cần khoảng 1.500 tỷ đồng; riêng trong hai năm 2004-2005 dành 474 tỷ đồng cho việc đánh giá hiện trạng chất lượng toàn bộ quỹ nhà để xây dựng quy trình bảo trì, lập quy hoạch chi tiết từng khu chung cư cũ phù hợp với yêu cầu phát triển...

Giai đoạn 2006-2010, Hà Nội cần thêm khoảng 1.000 tỷ đồng để xoá bỏ những nhà nguy hiểm....

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện thí điểm, nhiều vướng mắc đã được chỉ ra như nguồn vốn, chính sách... Số tiền ngân sách hỗ trợ chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

Chỉ có một số khu nhà hư hỏng nặng như B7, B10 Kim Liên; B7 Thành Công... thành phố đành phải cấp toàn bộ kinh phí từ ngân sách để xây mới. Đối với khu nhà này, các tầng trên được bán cho các đối tượng chính sách.

Một số khu nhà khác như A6 Giảng Võ, A6 Ngọc Khánh... được giao hoàn toàn cho các chủ đầu tư tự bỏ vốn hoặc huy động vốn của dân để xây dựng và bán nhà sau khi đã hoàn thiện...

Tuy nhiên, trong 6 năm nữa, việc hoàn thành mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn nhà chung cư cũ nát sẽ là một bài toán khó giải đối với Hà Nội. Đại diện Sở TN-MT&NĐ Hà Nội cho biết: để thực hiện mục tiêu này, TP cần “xã hội hoá” việc nâng cấp, xây mới nhà chung cư bằng cách phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư.

Việc ban hành quy trình kỹ thuật, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định mức đơn giá, chính sách khai thác sau xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tổng mặt bằng các khu tập thể ... cần nhanh chóng được tiến hành để thu hút đầu tư và thuận tiện trong quản lý chất lượng.

Trong giai đoạn 2001 – 2005, TP Hà Nội đã đầu tư 32,708 tỷ đồng cải tạo, xây nhà di chuyển dân đang ở tại các khu chung cư cao tầng xuống cấp trầm trọng, gồm 19.240 m2 với 481 căn hộ; đồng thời cải tạo khoảng 500.000 m2 quỹ nhà của Nhà nước do TP quản lý với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội: hiện có 180.000 hộ gia đình thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở đang công tác và làm việc tại 3.500 cơ quan, tổ chức trên địa bàn, chiếm 60% nhu cầu nhà ở của toàn thành phố. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng 3.000 căn hộ cho các đối tượng: người nghèo, chính sách; trong đó có hơn 1.000 nhà tình thương với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng...

MỚI - NÓNG