Hà Nội xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng như thế nào?

Hà Nội xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng như thế nào?
TPO - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (UBND TP) vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng. Theo văn bản này, UBNDTP Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyển dụng rất chi tiết.

Công văn gửi Bộ Nội vụ của UBNDTP Hà Nội cho biết tổng số hồ sơ của GVHĐ toàn thành phố đã ra soát, thu nộp là 2.028 hồ sơ. Trong đó mầm non là 842 hồ sơ, Tiểu học 380 hồ sơ, THCS 806 hồ sơ. Số hồ sơ này được phân loại thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất có 1.514 GVHĐ, hồ sơ hoàn toàn phù hợp với các tiêu chỉ của công văn 5378 của Bộ Nội vụ về xét tuyển dụng đặc cách GVHĐ (mầm non 729 hồ sơ, Tiểu học 207 hồ sơ và THCS là 568 hồ sơ).

Nhóm thứ hai có 241 GVHĐ nhưng thời gian hợp đồng 9 tháng/năm học có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, không ký hợp đồng 3 tháng hè do ngân sách địa phương không đảm bảo (Tiểu học 104, THCS 137).

Nhóm thứ 3 có 273 GVHĐ, những giáo viên này đều thuộc hai đơn vị là Sơn Tây 67 giáo viên, Ba Vì 206 giáo viên, có thời gian hợp đồng liên tục, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ trước 31/12/2015, nhưng đã chấm dứt hợp đồng khi kết thúc năm học vào tháng 5/2019, tháng 9/2019 (Mầm non 103, Tiểu học 69 và THCS 101).

UBND TP Hà Nội cũng cho biết, năm học 2019-2020 toàn thành phố còn 5.136 biên chế giáo viên (khối mầm non là 1.938, Tiểu học là 1.644, THCS là 1.554), số lượng chỉ tiêu này cao hơn 2 lần để thực hiện việc tuyển dụng giáo viên đang hợp đồng lao động đã được thống kê và thu nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Các trường học của 30 quận, huyện, thị xã sẽ đăng ký và công khai toàn bộ các chỉ tiêu giáo viên hiện còn thiếu só với biên chế viên chức giáo viên được giao của năm 2020.

Các GVHĐ có thể đăng ký vào chỉ tiêu bất kỳ phù hợp với yêu cầu về trình độ và nguyện vọng của cá nhân, không nhát thiết phải tại nơi đăng ký hợp đồng.

Về phương án tuyển dụng, UBNDTP Hà Nội cho biết, trên cơ sở số lượng giáo viên hợp đồng đã rà soát cụ thể, thành phố xây dựng kế hoạch xét tuyển theo Nghị định 161 của Chính phủ cho các trường hợp GVHĐ trên.

Quy trình thực hiện gồm: UBNDTP ban hành kế hoạch xét tuyển, công bố công khai 5.136 chỉ tiêu giáo viên còn thiếu, cụ thể, chi tiết tới từng môn, từng trường trên toàn thành phố; trong đó giao:

UBND quận, huyện, thị xã tiếp nhận phiếu đăng ký xét tuyển đối với giáo viên nêu trên để thực hiện tuyển dụng. Các giáo viên trong danh sách nêu trên được đăng ký chỉ tiêu phù hợp theo nguyện vọng.

Sở Nội vụ tổng hợp công bố kết quả đăng ký xét tuyển (những chỉ tiêu chưa có người đăng ký, nơi có người đăng ký thấp hơn chỉ tiêu, nơi có người đăng ký cao hơn chỉ tiêu).

Trên cơ sở hiện trạng đăng ký lần đầu, UBND TP cho phép giáo viên dự tuyển được điều chuyển nguyện vọng trong toàn thành phố (bước này dự kiến làm hai lần để mục đích giảm thiểu sự cạnh tranh).

UBND quận, huyện, thị xã chốt danh sách đăng ý xét tuyển (trên cơ sở các GVHĐ đã được điều chỉnh nguyện vọng 2 lần).

Như vậy, sẽ xẩy ra các trường hợp như: Có chỉ tiêu sẽ có nhiều người đăng ký; có chỉ tiêu có 1 người đăng ký và sẽ có chỉ tiêu không có người đăng ký dự tuyển.

Tại nơi có nhiều người đăng ký vào 1 chỉ tiêu thì các thí sinh phải chấp nhận cạnh tranh trong sát hạch (vì đã được điều chỉnh nguyện vọng 2 lần).

UBND quận, huyện, thị xã thành lập hội đồng xét tuyển và tổ chức sát hạch theo quy định. Nội dung hình thức sát hạch theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp GVHĐ nêu trên không đăng ký dự tuyển hoặc không trúng tuyển do sát hạch không đạt yêu cầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động và đượ tham gia dự tuyển tại các kỳ tuyển dụng sau của thành phố theo quy định tại Nghị định 161 của chính phủ.

Như vậy, với phương án này của Hà Nội, chỉ những nơi có số GVHĐ đăng ký xét tuyển vượt quá chỉ tiêu cho phép mới phải sát hạch theo Nghị định 161. Còn lại nếu có chỉ tiêu và số lượng GVHĐ đăng ký đủ hoặc ít hơn chỉ tiêu thì GVHĐ sẽ được tuyển dụng đặc cách.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.