Anh Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên của một công ty du lịch cho rằng, không nên cấm xe xích lô vì nhiều khách du lịch nước ngoài cảm thấy hứng thú khi ngồi trên xe xích lô ngắm phố phường Hà Nội. Việc không còn xe xích lô đưa khách khám phá phố cổ làm mất đi một sản phẩm du lịch.
Ông Ramon Cano, du khách người Tây Ban Nha nói: “Ngồi trên xe xích lô rất vui và có thể cảm nhận được hoạt động giao thông ở Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng cần suy nghĩ xem hoạt động giao thông có tốt hơn khi cấm xe xích lô? Cần tạo điều kiện để loại xe này có tuyến đường hoạt động”.
Mấy ngày nay, ông Khang Văn Duy, 60 tuổi, một người đạp xe xích lô du lịch đang đợi khách tại vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm đứng ngồi không yên trước thông tin cơ quan chức năng xem xét việc cấm loại xe này hoạt động. “Thu nhập chính của cả gia đình tôi dựa vào nghề đạp xe xích lô cho khách du lịch. Tôi chưa biết sẽ xoay xở thế nào”, ông Duy nói.
Nên chỉnh đốn hay cấm hẳn?
Ông Nguyễn Hưu Thu, Phó giám đốc Cty xích lô Huy Phong, một trong 4 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động xích lô du lịch cho hay, công ty đã đầu tư nhiều và ký được hợp đồng dài hạn với các công ty du lịch phục vụ khách nước ngoài.
“Xe xích lô phục vụ khách du lịch nước ngoài là hoạt động kinh doanh chính đáng, tạo việc làm và nguồn thu. Nếu hoạt động xe xích lô có chỗ nào chưa hợp lý, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh, không nên dừng hoạt động”, ông Thu nói.
Ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Cty xích lô “Không lo âu” cũng lo lắng không yên. Nhiều ngày qua, ông ngược xuôi đến các cơ quan chức năng để đưa kiến nghị cho xe xích lô tiếp tục hoạt động. “Đạp xe xích lô không chỉ là một nghề tôi theo đuổi suốt gần 30 năm qua mà trở thành niềm đam mê. Tôi vốn người Hà Nội gốc nên hình ảnh xe xích lô ngấm vào máu thịt mình”, ông Thư tâm sự.
Ông Thư cho rằng, Thủ đô có ba đặc trưng khiến người ta hoài cổ về Hà Nội xưa, đó là tiếng xe điện leng keng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, tiếng phụ nữ bán bánh cuốn Thanh Trì rao lúc sáng sớm và xích lô. “Với người Hà Nội và nhiều du khách nước ngoài, xe xích lô trở thành một nét văn hóa của Hà Nội. Cấm xích lô hoạt động, Hà Nội mất đi một hình ảnh văn hóa đặc trưng”, ông Thư nói.
Chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc xem xét dừng xe xích lô hoạt động thể hiện cơ quan chức năng Hà Nội có một thói quen không quản lý được lại cấm. Theo ông Thủy, UBND thành phố Hà Nội không nên cấm xe xích lô hoạt động, bởi lẽ loại xe này có từ lâu đời, tiện dụng và giải quyết việc làm cho người lao động nghèo.
Theo chuyên gia này, đối với phố cổ, xe xích lô không gây ùn tắc ôtô mấy chục người ngồi. Ở Thái Lan, Lào... cũng có nhiều loại xe truyền thống vẫn được hoạt động. “Theo tôi, có người đạp xích lô đi còn cản trở giao thông, nhưng nếu cho rằng loại xe này gây ùn tắc giao thông để dừng hoạt động thì chưa thỏa đáng. Hà Nội không nên cấm xích lô hoạt động, quan trọng là cách quản lý cho hợp lý”, ông Thủy nói.
Chuyên gia này đề xuất: Cơ quan chức năng Hà Nội nên quy định rõ vạch đường nào xe xích lô được đi, giờ được phép hoạt động và tuyến đường loại xe này được lưu thông. Thêm nữa, cũng cần quy định số lượng xe xích lô cùng đi một lúc, không thể để vài chục xe nối đuôi nhau đi hàng dài trên phố. Đồng thời, xích lô cũng cần quy định tiêu chuẩn chất lượng, mỹ quan, độ an toàn khi sử dụng. “Xe xích lô còn là đặc trưng văn hóa, hình ảnh xa xưa của Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch. Bởi vậy không nên dừng hoạt động xe xích lô, xóa hết nét xưa của Thủ đô”, ông Thủy đề nghị.
Hiện Hà Nội có khoảng 400 xe xích lô hoạt động trên các tuyến phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trong khi Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội chỉ mới cấp phép lưu hành cho 80 xe hoạt động, chia đều cho 4 công ty du lịch. Theo Công an quận Hoàn Kiếm, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử lý 268 trường hợp xe xích lô vi phạm trên địa bàn với 2 lỗi chủ yếu là dừng đỗ sai quy định và di chuyển thành hàng dài gây cản trở giao thông.