Nhân tài... không mặn mà
Theo Nghị quyết 14 HĐND thành phố Hà Nội về trọng dụng nhân tài, thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. Theo đó, họ được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu. Sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận. Tuy nhiên, họ cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.
Hà Nội tuyên dương Thủ khoa xuất sắc năm 2022 |
Dù có nhiều ưu đãi như vậy, nhưng nhiều thủ khoa không mặn mà về Hà Nội công tác. Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2022, chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội, trong đó, 43 công chức, 12 viên chức. Quá trình công tác, 9 công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài và 5 công chức xin thôi việc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn cả về môi trường làm việc, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến.
TS Đoàn Trung Kiên (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài trong và ngoài nước về Thủ đô làm việc. Trong khi đó, việc thực hiện Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô hiện nay và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND bộc lộ một số bất cập.
Cụ thể, phạm vi đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế. Số lượng người được tuyển dụng còn khiêm tốn. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu là thông qua bằng cấp mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, thành phố chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... trong và ngoài nước.
Đề xuất trao quyền tuyển dụng nhân tài cho người đứng đầu
Theo Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội. Bởi hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là “chất xám”, “nhân tài”. Quốc gia nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh thì sẽ phát triển.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Phúc cũng cho rằng, dự thảo cần phải bổ sung phần giải thích thế nào là nhân tài, đồng thời cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài.
“Để chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô có sự đột phá và mang tính khả thi cần bổ sung vào dự thảo một số quy định tường minh, chặt chẽ hơn. Ví như quy định về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp”, TS nguyễn Hữu Phúc đề nghị.
Đồng quan điểm, TS Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, Thủ đô cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giải quyết các thách thức và những nhiệm vụ cấp bách ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Do vậy, cơ quan tuyển dụng cần tìm mọi cách thu hút, giữ lại những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế.
Dự thảo Luật Thủ đô cũng trao quyền cho: “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài nhà nước vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo”. Theo TS Nguyễn Hữu Phúc, quy định này là hợp lý.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung một số nội dung nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.