Hà Nội trên tuyến lửa Trường Sơn

Ông Nguyễn Văn Lệnh ngày nay
Ông Nguyễn Văn Lệnh ngày nay
TP - Ngày 13-7-1965, hơn 1.500 thanh niên Hà Nội tập trung tại Quảng trường 1 - 5, chuẩn bị hành quân tới Trường Sơn, mở tuyến đường lửa, tiếp sức cho miền Nam. Những gương mặt son trẻ hừng hực khí thế ngày đó giờ người mất, người còn.
Ông Lê Đình Đảng ngày nay
Ông Lê Đình Đảng ngày nay . Ảnh: P.G

Trong đội ngũ Thanh niên xung phong (TNXP) ngày ấy có ông Lê Đình Đảng hiện trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. “Thành Đoàn Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng, 24 thanh niên của HTX tiện gỗ Hàng Cót chúng tôi đều viết đơn tình nguyện, nhưng chỉ có vài người được chọn”, ông Đảng kể.

Cả đội ngũ 1.500 bạn trẻ Hà thành lên tàu vào Đò Lèn (Thanh Hóa), rồi đi bộ xuyên rừng vào Hương Sơn (Hà Tĩnh). Họ mang theo dao, cuốc, xẻng, xà beng… gặp suối lội suối, gặp cây phạt cây. Mất gần nửa tháng cả đoàn mới đến điểm tập kết.

Đó là vùng biên giới giáp Lào (nay là đường 15 B, thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), bốn bề rừng cây, núi đá, muỗi vắt nhiều như trấu, nhưng không khiến cho những thanh niên Hà thành quanh năm quen đèn sách chùn bước.

Họ dựng lán, đào hầm và bắt đầu công cuộc mở đường. “Cả đoàn chia làm 7 đơn vị. Ăn không đủ no, nhưng anh em đua nhau gánh đất đắp đường. Có anh gánh đến 4 sọt đất (khoảng 80 kg), đến nỗi đòn gánh bị gãy liên tục”, ông Đảng kể.

Sau hai năm xẻ núi mở đường tại khu vực phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, cuối năm 1967, 7 đơn vị của đoàn TNXP Hà Nội có cuộc họp khẩn với nội dung tuyển người vào tuyến trong gian khổ và ác liệt hơn. “Cấp trên nói vào tuyến trong có thể bị chết vì bom đạn và sốt rét, nhưng tất cả viết đơn tình nguyện xin đi”, ông Đảng hồi tưởng.

Chưa đầy nửa tháng, 145 thành viên ưu tú nhất của 7 đơn vị TNXP Hà Nội được chọn vào 1 đơn vị mang tên Đội xung kích (XK) Thăng Long 343. Họ được chuyển vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) mở tuyến đường mới bên vực Long Đại, ranh giới ác liệt được ví như nơi làm lễ truy điệu sống cho mỗi đoàn quân đi qua.

Nét Hà thành

Một ngày giữa năm 1968, hơn trăm thành viên Đội XK Thăng Long đang hì hục gánh đất mở đường bên vách Long Đại thì máy bay địch ập xuống. Mọi người chỉ kịp nhào xuống giao thông hào tránh đạn. Đây chỉ là một trong vô vàn tình huống hiểm nguy mà những chàng trai, cô gái Hà thành hàng ngày phải đối mặt.

Ông Nguyễn Văn Lệnh ngày nay
Ông Nguyễn Văn Lệnh ngày nay . Ảnh: P.G

Phát hiện tuyến đường, máy bay Mỹ đã tập trung oanh tạc. “Hầu như ngày nào nó cũng đánh, có ngày 27 lần máy bay oanh tạc”, ông Nguyễn Văn Lệnh, Đội trưởng Đội XK Thăng Long kể. Cũng trong thời gian này, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Lộc đã hi sinh khi đang cùng các thành viên đội cảm tử phá bom thuộc Đội XK Thăng Long.

Gian khó, hiểm nguy là vậy nhưng thanh niên Hà thành chưa bao giờ tắt tiếng cười, câu hát. Ngoài việc cải tạo dụng cụ lao động, quân sự hoá sản xuất, Đội XK Thăng Long phát động phong trào Xây dựng Hà Nội giữa lòng Trường Sơn như ăn ở vệ sinh, mặc đẹp, làm thơ, vẽ tranh cổ động chiến đấu sản xuất…

“Có lần nhân dịp giải phóng Thủ đô, Đội XK phát động phong trào nữ TNXP mặc đẹp. Tôi nhớ các cô trong đội còn cắt vải dù của Mỹ, khâu thành nơ rồi kiếm lá rừng nhuộm thành đủ thứ màu, thắt lên tóc trông rất đẹp”, ông Lệnh kể.

Trong ngôi nhà riêng tại khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), ông Lệnh cẩn thận lần giở cuốn sổ điện thoại giấy đã ố vàng ghi tên tuổi, địa chỉ những đồng đội cũ. Có người đã mãi mãi nằm xuống, người còn sống thì tóc bạc, da mồi.

Ông hào hứng kể vể buổi họp mặt mới đây của Hội cựu TNXP Hà Nội, họ đã cùng thắp nén nhang cho đồng đội, cùng khoác vai nhau hát những khúc ca cách mạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.