Hà Nội: Thủ khoa vẫn “thi trượt” công chức

Hà Nội: Thủ khoa vẫn “thi trượt” công chức
Nằm trong diện các đối tượng được tuyển thẳng không phải qua kỳ thi tuyển dụng công chức, nhưng các thủ khoa đại học trong nước và thí sinh tốt nghiệp đại học loại giỏi các trường nước ngoài vẫn phải vượt qua kỳ sát hạch để trở thành công chức Thủ đô. Kết quả sát hạch rất bất ngờ, trong tổng số 43 thí sinh tham gia sát hạch có đến 9 thí sinh trượt và 5 thí sinh bỏ sát hạch.

> Cầm bằng thủ khoa ĐH danh giá vẫn lo thất nghiệp

Thủ khoa đại học không phải thi tuyển dụng công chức nhưng phải qua kỳ kiểm tra, sát hạch. Ảnh: L.M
Thủ khoa đại học không phải thi tuyển dụng công chức nhưng phải qua kỳ kiểm tra, sát hạch. Ảnh: L.M.

Bằng giỏi, điểm kém

Sở Nội vụ TP Hà Nội đã ra thông báo (số 1834/TB-HĐKTSH) kết quả kiểm tra, sát hạch tuyển công chức không thông qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2013. Theo đó, kết quả kỳ kiểm tra, sát hạch cho 43 thí sinh diện xét tuyển đặc cách (không qua thi) cho thấy có đến 14 thí sinh “không đạt yêu cầu” (trong đó 9 thí sinh có điểm không đạt và 5 thí sinh bỏ sát hạch).

Cụ thể, 9 thí sinh không đạt điểm gồm 5 thủ khoa các trường đại học trong nước (Thủ khoa ngành Tài chính – Ngân hàng dự tuyển Sở Tài chính; Thủ khoa ngành Kế toán dự tuyển vào Sở Công Thương; Thủ khoa ngành Tin học trắc địa dự tuyển vào Sở TT&TT; Thủ khoa ngành Công tác xã hội dự tuyển vào Sở LĐ,TB&XH; Thủ khoa ngành Tài chính doanh nghiệp dự tuyển vào Sở LĐ TB&XH) và 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của nước ngoài. Có điều trùng lắp đáng chú ý, cả 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của nước ngoài không đạt điểm đều học ngành Quản trị kinh doanh và đều có số điểm kiểm tra, sát hạch rất thấp (35 điểm; 30 điểm; 34,3 điểm; 36,7 điểm/thang điểm 100).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra, sát hạch trên, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ với việc ban hành các quyết định văn bản liên quan. Ngày 1/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã ký quyết định về việc thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch và phê duyệt hình thức sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển.

Hình thức sát hạch: Thí sinh rút thăm câu hỏi, chuẩn bị câu trả lời bằng một bài viết trên giấy trong thời gian 60 phút; Hội đồng kiểm tra, sát hạch phỏng vấn trực tiếp thí sinh trong thời gian tối đa 15 phút, đánh giá, chấm điểm kết quả phỏng vấn theo thang điểm 100.

Với 50 cán bộ được cử tham gia kiểm tra, sát hạch, thành phố Hà Nội đưa ra tiêu chuẩn: Là công chức, viên chức có ngạch tương đương với ngạch tuyển dụng trở lên, có ít nhất 5 năm công tác, hàng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Không phải thủ khoa nào cũng giỏi

Trao đổi với chúng tôi ngày 29/8, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường (Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2007) tỏ ra hoàn toàn bất ngờ trước thông tin các thủ khoa phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch nếu muốn trở thành công chức Thủ đô. “Cá nhân tôi hoàn toàn bất ngờ, bởi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi vẫn nghĩ Hà Nội có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài và các Thủ khoa nếu có nguyện vọng về công tác tại các cơ quan của thành phố sẽ được tuyển thẳng chứ không phải qua kỳ kiểm tra sát hạch”, Chủ nhiệm CLB thủ khoa nói.

Ngày 28/8, Hội đồng tuyển dụng công chức 2013 (TP Hà Nội) đã ra thông báo về kỳ thi. Theo đó, tổng số thí sinh đăng ký tuyển dụng 3.916, trong đó diện xét tuyển đặc cách 43 thí sinh (đã tổ chức sát hạch, có 14 thí sinh không đạt yêu cầu), còn 3.873 thí sinh tham gia thi tuyển.

Theo Chủ nhiệm CLB thủ khoa, nếu Hà Nội đã tổ chức vinh danh và có chính sách “trải thảm đỏ” mời các thủ khoa về làm việc thì nên tuyển thẳng, sau một thời gian nhất định để họ thể hiện khả năng thì tổ chức đánh giá năng lực làm việc và đưa ra quyết định nhận hay không; Hoặc thành phố cho thủ khoa thi tuyển công chức cùng các đối tượng khác nhưng các thủ khoa được cộng số điểm ưu tiên nhất định

. “Đã gọi là tuyển thẳng lại qua kiểm tra, sát hạch cũng không khác gì phải trải qua một kỳ thi. Hơn thế việc tổ chức kiểm tra, sát hạch làm mất đi ý nghĩa của việc “trải thảm đỏ” và việc loại các Thủ khoa sau kỳ kiểm tra, sát hạch có thể gây hiệu ứng phản cảm cho xã hội”, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường bày tỏ.

Nói về việc có đến 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh bằng giỏi của nước ngoài vẫn trượt kỳ kiểm tra, sát hạch, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường cho rằng việc chấm điểm, đặc biệt qua phỏng vấn chỉ phản ánh một phần trình độ của thí sinh nên những thí sinh bị điểm thấp chưa chắc đã kém và ngược lại.

Bên cạnh đó, cùng là thủ khoa nhưng chắc chắn họ không đồng đều về trình độ bởi còn phụ thuộc vào môi trường đào tạo và nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân.

Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường dẫn chứng, ngay kết quả kỳ kiểm tra, sát hạch cũng cho thấy điều đó, khi có những thủ khoa không đạt yêu cầu nhưng cũng có những thủ khoa đạt điểm rất cao. Cũng là người từng du học nước ngoài, Thạc sỹ Nguyễn Hùng Cường cho rằng với hình thức đào tạo “trăm hoa đua nở”, có những trường đại học ở một số nước mở ra chỉ để bán bằng cấp.

Do đó, việc đánh giá tấm bằng giỏi nước ngoài còn phụ thuộc bằng đó của trường nào, nước nào, nằm trong tốp bao nhiêu của các trường đại học trên thế giới. Chủ nhiệm CLB thủ khoa Hà Nội thẳng thắn: “Không phải thủ khoa nào cũng giỏi và không phải có bằng giỏi đại học nước ngoài là trình độ cao”.

Theo Lê Minh
GiadinhNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.