Thông tin tại hội nghị tổng kết năm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, năm 2020, toàn ngành đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển; thu tiền sử dụng đất được 25.789,5 tỷ đồng (đạt 128,9% kế hoạch giao), tăng so với năm 2019 là 3.878,5 tỷ đồng; tiền thuê đất đạt 7.820 tỷ đồng (đạt 156,4%); tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt 12.356,7 tỷ đồng (đạt 125,4%).
Sở cũng đã tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại để giao đất dịch vụ cho người dân với tổng nhu cầu sau khi rà soát là 50.378 hộ, tương ứng 539,162ha đất. Đến nay, các quận, huyện đã giao đất dịch vụ được 40.482 hộ, tương ứng 361,59ha, đạt 80,36% (tăng 10.223 hộ và 158,87ha so với năm 2016); cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được 3.613/6.685 thửa đất, đạt 54,05% (tăng 3.229 thửa so với năm 2017).
Ông Lê Tuấn Định cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế ngành cần khắc phục liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất mới đạt 51,8% kế hoạch; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa kịp thời. Việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số cụm công nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm; vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông chưa được xử lý dứt điểm...
Năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phấn đấu thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hậu kiểm việc thực hiện quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình.
Cơ bản hoàn thành cấp đất dịch vụ; bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải, phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư; quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, ngành cần tập trung hậu kiểm đối với các dự án chậm tiến độ đã có kết luận thanh tra; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, đơn thư liên quan đến đất đai; đầu tư các trạm quan trắc môi trường cố định đạt chuẩn, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, sông hồ, như tại các sông: Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy.
Ông Nguyễn Trọng Đông đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn các quận, huyện thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trình UBND thành phố phê duyệt; chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất phải đầy đủ, bổ sung các danh mục dự án đủ điều kiện, nhằm thu hút đầu tư phát triển, tăng nguồn thu từ đất; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, sớm xây dựng kế hoạch đấu giá đất tại các quận, huyện; tập trung hoàn thành dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội trong năm 2021 để chia sẻ, vận hành...