Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn

TP - Thành phố Hà Nội đang thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 6 quận gồm Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới mở rộng phân loại rác tại nguồn ở 30 quận, huyện, thị xã từ 1/1/2025.

Phân loại giúp giảm 70-75% lượng rác thải ra môi trường

Sáng 20/8, báo Tiền Phong phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho 150 giáo viên, học sinh trên địa bàn quận.

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, những năm qua, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước phát sinh gần 68.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỷ lệ chôn lấp lên tới trên 64%, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Ngay tại Thủ đô Hà Nội, trên con đường đi học, đi làm hay đi chơi, chúng ta có thể dễ dàng trông thấy những điểm vứt rác bừa bãi, nhếch nhác, gây mất mỹ quan”, ông Sưởng nêu.

Lãnh đạo báo Tiền Phong chia sẻ, việc phân loại rác tại nguồn mang lại những lợi ích hết sức lớn lao. Các nghiên cứu đã chỉ ra, phân loại giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường.

“Sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường học đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn theo quy định mới. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục tình yêu môi trường đến đông đảo các thầy cô và học sinh, nhằm hướng tới xây dựng một thế hệ học sinh Ba Đình văn minh, yêu môi trường, yêu thiên nhiên”.

Ông Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình

Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khoẻ con người.

Nhà báo Phùng Công Sưởng bày tỏ mong muốn, Hội nghị sẽ giúp các giáo viên, học sinh trang bị và cập nhật những quy định mới nhất, nắm được kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó giúp lan toả hành động phân loại rác tại nguồn trong trường học, gia đình và cộng đồng. Báo Tiền Phong sẽ trao tặng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình 24 thùng rác nhằm thí điểm thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định mới ở hai trường học trên địa bàn quận, nối dài hành trình từ lý thuyết đến thực hành.

Không phân loại rác có thể bị xử phạt

Tại Hà Nội, theo số liệu của Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, mỗi ngày thành phố có khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi người thải ra 0,8kg/ngày. Trong đó, gần 62% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, còn lại là xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn ảnh 1

Các thầy cô và các em học sinh háo hức tham gia các trò chơi tìm hiểu về bảo vệ

môi trường tại Hội nghị Ảnh: Như Ý

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đang phân loại rác tại nguồn theo 4 nhóm gồm nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và các chất thải khác. Việc triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn đã đạt được một số thành công bước đầu. Tại Hoàn Kiếm, từ ngày 1/7, nhân dân trên địa bàn 18 phường bắt đầu phân loại rác thành 4 nhóm.

Tại Nam Từ Liêm, sáu tháng đầu năm 2024 đã phân loại, thu gom, vận chuyển được 110 tấn chất thải cồng kềnh và 12,62 tấn chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Quận Đống Đa từ ngày 27/4 đã thu gom, vận chuyển được 2,6 tấn chất thải tái chế, đồng thời chủ động lắp dựng các thùng thu chứa rác để thuận tiện cho hộ gia đình có chất thải tái chế bỏ vào thùng hàng ngày tại một số địa điểm.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định có thể bị xử phạt theo quy định.

MỚI - NÓNG