Hà Nội: Siêu thị phòng dịch, chợ dân sinh phớt lờ “5K”

0:00 / 0:00
0:00
Siêu thị Big C Thăng Long đóng cửa phun khử khuẩn ngay trong tối 24/5
Siêu thị Big C Thăng Long đóng cửa phun khử khuẩn ngay trong tối 24/5
TP - Sau khi siêu thị Big C Thăng Long tạm đóng cửa từ tối 24/5 để khử khuẩn do liên quan lịch trình di chuyển của một ca mắc COVID-19, nhiều siêu thị khác đã tăng cường phòng dịch. Trong khi đó, nhiều chợ dân sinh vẫn đông người mua bán, không tuân thủ quy định “5K”, chợ cóc vẫn lén lút hoạt động, bất chấp lệnh cấm.

Vắng khách

Hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan việc Big C Thăng Long tạm thời đóng cửa, đại diện truyền thông siêu thị nói rằng, chưa có thông tin về thời điểm siêu thị mở cửa trở lại và cách thức xử lý hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống.

Ghi nhận của phóng viên sáng 25/5 tại các siêu thị khác ở Hà Nội, các hoạt động diễn ra bình thường, nhưng lượng khách mua sắm không nhiều. Cả người bán và người mua đều đeo khẩu trang và cố gắng giữ khoảng cách an toàn khi mua bán. Tại Vinmart Long Biên, khách vào siêu thị qua 2 vòng đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua sắm.

Tại Co.opmart Hà Đông, ngay từ cửa ra vào, nhân viên siêu thị đã yêu cầu khách rửa tay sát khuẩn. Khách khai báo y tế thông qua ứng dụng quét mã QR. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, nói rằng, tại siêu thị, sức mua ổn định như những ngày trước đó, giá các loại hàng hóa không tăng so với trước khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Cũng chưa có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh. Thời gian qua, lượng khách đến trực tiếp siêu thị giảm nhưng lượng khách đặt online tăng 20-30%, bà cho biết.

Phớt lờ

Tại nhiều chợ dân sinh như Kim Liên, Ngọc Hà, Mơ, Nam Đồng..., nhiều người bán và người mua phớt lờ quy định “5K” trong phòng chống dịch COVID-19. Nằm ven các chợ truyền thống, khu dân cư, nhiều chợ cóc vẫn họp nhanh, bán vội. Hộ bán hàng đầu ngõ đánh tiếng cho các hộ xung quanh khi thấy tổ tuần tra. Khi đó, người ôm mẹt, người đẩy xe chạy vào ngách nhỏ, đứng nhờ nhà dân, đợi lực lượng chức năng đi qua rồi quay lại bán tiếp.

Tại chợ cóc gần chợ Diêm Gỗ (Long Biên), vẫn còn tình trạng nhiều người mua, người bán không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang nhưng không đúng quy chuẩn,

Giá cả hàng hoá tại các chợ hiện khá ổn định. Giá một số loại trái cây vào mùa như mận, xoài, dứa, dưa hấu… đang giảm mạnh. Giá mận từ hơn 100.000 đồng/kg đầu mùa nay còn 50.000-60.000 đồng/kg. Giá dứa, dưa hấu chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Lương thực khô không có biến động về giá. Thịt thành phẩm vẫn neo mức cao, bất chấp giá lợn hơi giảm dưới 70.000 đồng/kg. Tại các chợ Kim Liên, Nam Đồng, Nguyễn Công Trứ, giá thịt ba chỉ hiện ở mức 150.000-170.000 đồng/kg, sườn 180.000 đồng/kg. Mức giá trên giữ nguyên từ đầu năm, khi giá lợn hơi là hơn 80.000 đồng/kg. Các tiểu thương không giải thích được nghịch lý này, nói rằng, họ bán theo giá nhập, người mua ít phàn nàn.

Siêu thị MM Mega Market Việt Nam, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi, thay vì đến trực tiếp siêu thị. Một số hệ thống siêu thị khác cũng đang tích cực kích cầu bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online...

MỚI - NÓNG