Hà Nội sẽ thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn

TPO - Hà Nội cho biết sẽ xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân để bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử.

Lập hồ sơ 3D để bảo tồn

Cử trị đề nghị Hà Nội chỉ đạo tổ chức kiểm tra, khảo sát, phân loại các khu nhà cổ, nhà tập thể cũ,... để có phương án kịp thời trùng tu, bảo tồn, tránh xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân.

Hà Nội sẽ thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn ảnh 1  Hà Nội sẽ thiết lập hồ sơ 3D về quản lý nhà biệt thự làm cơ sở để quản lý, bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự. Ảnh: Ninh Phan.

Trả lời kiến nghị này, UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Thủ đô, Sở Xây dựng đã tham mưu báo cáo UBND TP để trình HĐND TP ban hành 05 Nghị quyết về quản lý nhà nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Cùng với đó là một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết, Sở Xây dựng đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Sở tiếp tục rà soát, phân loại lập danh mục biệt thự để báo cáo UBND TP thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. 

Đồng thời, thiết lập hồ sơ 3D về quản lý nhà biệt thự làm cơ sở để quản lý, bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự.

Tiếp tục tổ chức khảo sát, rà soát đánh giá toàn bộ các biệt thự về chất lượng công trình. Đề nghị UBND TP bố trí kinh phí thực hiện việc rà soát, kiểm định đánh giá chất lượng chất lượng công trình (đặc biệt là các biệt thự đã xuống cấp, biến dạng), bảo trì, cải tạo, chỉnh trang và lập hồ sơ quản lý, bảo tồn tôn tạo biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.

Thí điểm mua lại biệt thự cổ

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Ngoài ra, sớm xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân để bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử.

Hà Nội sẽ thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn ảnh 2 Hà Nội đưa ra giải pháp sẽ sớm xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân để bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Ảnh: Ninh Phan.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có ban hành kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến việc xây dựng danh mục các công trình nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, UBND Thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục là đơn vị tổ chức triển khai lập danh mục và xây dựng quy chế quản lý các công trình nhà cổ, công trình xây dựng có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn.

Giao Sở Xây dựng rà soát lại quá trình triển khai thực hiện, công tác lập và quản lý danh mục nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn; báo cáo khó khăn vướng mắc nếu có; Rà soát lập hồ sơ các công trình biệt thự có kiến trúc Pháp phải bảo tồn trên cơ sở đó lập danh mục và đề xuất Chương trình hợp tác với Đại sứ quán Pháp.

Đặc biệt, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu trong thời gian xây dựng danh mục, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện tạm dừng xem xét cấp phép phá dỡ, cải tạo, sửa chữa các công trình biệt thự, các công trình nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.