Hà Nội sau hơn một tháng giãn cách xã hội: Nguy cơ dịch bệnh vẫn cao

0:00 / 0:00
0:00
Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan chùm ca bệnh ở phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan chùm ca bệnh ở phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TPO - Theo đánh giá, sau khoảng thời gian hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội, nguy cơ dịch bệnh ở thành phố vẫn rất cao. Mới nhất, một chùm ca bệnh được phát hiện ở phố Lê Trọng Tấn (Khương Mai, Thanh Xuân), được đánh giá có nguy cơ lây lan rất lớn.

Nguy cơ cao, phức tạp

Ngày 31/8, theo công bố từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 74 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hơn một nửa (37 ca) trong số này thuộc “ổ dịch” khu vực Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Sáng 1/9, khu vực này tiếp tục ghi nhận thêm 23 ca mắc, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 371 trường hợp. Điều tích cực duy nhất, là hầu hết các ca mắc ghi nhận đều là các trường hợp sống trong khu phong toả, hoặc là F1 đã được cách ly từ trước.

Trong 2 ngày qua, trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục phát sinh một chùm ca bệnh, tiềm ẩn nguy cơ trở thành một ổ dịch nguy hiểm. Địa chỉ bùng phát chùm ca bệnh này là cửa hàng bách hoá D&H, ở số 218 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Tính đến chiều 31/8, liên quan đến địa chỉ này đã có 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Qua báo cáo dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội,ngày 28/8, bệnh nhân N.T.H, chủ cửa hàng thấy hơi đau người, sốt 37,2 độ C, sau đó tăng lên 37,5 độ C, mất khứu giác, ho nhẹ, không khó thở, hơi mỏi người. Đến sáng 29/8, bệnh nhân H đến khám tại Bệnh viện Tai-Mũi-Họng T.Ư, xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính.

Đáng lưu ý, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, bệnh nhân N.T.H chỉ bán hàng tại cửa hàng tạp hóa tại nhà ở địa chỉ số 218 Lê Trọng Tấn, không đi ra khỏi cửa hàng. Bệnh nhân có tiếp xúc với nhiều người, không rõ tiền sử có tiếp xúc với F0, F1. Khu vực gần nhà của bệnh nhân cũng không có người mắc COVID-19. Đặc biệt, bệnh nhân tiếp xúc với nhiều khách đến mua hàng, người giao hàng và hiện không nhớ được tên tuổi, địa chỉ của họ.

CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân H bán hàng thực phẩm thiết yếu, nên tại đây có rất đông người đến mua hàng. Thêm vào đó, cửa hàng này không có lắp đặt lớp kính chắn giọt bắn giữa người mua hàng và người thanh toán. Khi thanh toán có rất đông người và thủ tục thanh toán lâu, không có sự giãn cách tối thiểu 2m. Thậm chí, khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân H vẫn bán hàng, vì vậy, khả năng lây lan cho người đến mua hàng là rất cao.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, ngoài khu vực Thanh Xuân Trung, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn một số ‘ổ dịch’ phức tạp như phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); Giáp Bát, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); Kim Mã (quận Ba Đình); Tân Lập (huyện Đan Phượng).

Dồn lực xét nghiệm

Mới đây, thành phố Hà Nội có đánh giá, tình hình dịch đợt 4 phức tạp hơn các đợt trước về quy mô số bệnh nhân và mức độ lây lan. Dịch đã xuất hiện ở 29/30 quận, huyện, thị xã với nhiều chùm ca bệnh không xác định rõ nguồn lây, xuất hiện các ổ dịch quy mô phường; ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng mạnh tại 1 số nơi; có sự lây lan trong khu chung cư đông người; lây nhiễm trong chuỗi vận chuyển cung ứng hàng hóa, thực phẩm; nhiều cán bộ y tế bị nhiễm bệnh.

Thành phố nhận định, trên địa bàn còn xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng, đặc biệt là các ca bệnh phát hiện qua ho, sốt; đã xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh trong các chuỗi cung ứng, công sở, chợ, khu dân cư, khu chung cư…

Theo Kế hoạch, thành phố sẽ mở “chiến dịch” xét nghiệm diện rộng, đợt cao điểm đến 4/9 với khoảng 200.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 lấy 80.000 mẫu xét nghiệm; giai đoạn 2 từ 31/8 đến 4/9, dự kiến triển khai lấy 120.000 mẫu xét nghiệm với mục tiêu bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo yêu cầu dịch tễ và đánh giá lại các khu vực nguy cơ.

Đáng chú ý, dựa trên kết quả xét nghiệm này, thành phố nhận định về 2 kịch bản trên địa bàn. Theo đó, nếu tỷ lệ xét nghiệm 200.000 mẫu, phát hiện khoảng 2.000 ca bệnh (1%), trong đó xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn, tập trung khu trú tại một số địa phương khu vực nội thành, vòng lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp liên quan trong khu vực dân cư sinh sống và rải rác rất ít các ca bệnh ngoại thành, thành phố sẽ tiếp tục lấy khoảng 800.000 mẫu trong vòng 7 ngày.

Kịch bản 2, nếu tỷ lệ xét nghiệm phát hiện hơn 2.000 ca bệnh, xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn tại nhiều quận, huyện, thị xã; dịch bệnh lây lan rộng, dẫn tới việc giãn cách khu trú một vài điểm không còn hiệu quả, phải tiếp tục giãn cách toàn thành phố để đảm bảo phòng, chống dịch. Thành phố sẽ thực hiện lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm trong vòng 7 ngày để bóc tách triệt để các trường hợp F0.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, việc quan trọng hiện nay là thực hiện triệt để các quy định về giãn cách xã hội. Nếu không thực hiện triệt để việc cách ly người với người, ai ở đâu yên đấy thì rất khó để phòng, chống dịch bệnh.

“Người dân vẫn di chuyển, các trường hợp F0 vẫn di chuyển thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất lớn”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện việc kiểm soát Giấy đi đường, thẻ đi chợ vẫn còn nhiều vấn đề, thậm chí có trường hợp F0, sau khi điều tra, phát hiện ngày nào cũng cùng con gái đi chợ.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, người dân cần phải phối hợp, khai báo kịp thời với cơ quan chức năng khi có bất cứ biểu hiện bất thường với sức khỏe. Thời gian qua, nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng, nhưng chỉ khi triệu chứng nặng hơn, phải đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm thì họ mới chịu khai báo.

"Đơn cử như trường hợp F0 P.L.C - là người mua hàng tại cửa hàng D&H và có tiếp xúc với F0 N.T.H. Ngày 25/8, bệnh nhân P.L.C có biểu hiện cảm cúm, ho nhẹ nhưng đến ngày 28/8 khi thấy các biểu hiện tăng lên, đau đầu, cay mắt, ớn lạnh, nghi nhiễm COVID-19 thì bệnh nhân mới khai báo với Ban Quản lý tòa nhà nơi mình sinh sống. Người dân nếu cứ để muộn như vậy mới khai báo thì không bao giờ cắt đứt được chuỗi lây nhiễm", ông Khổng Minh Tuấn nêu.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.298 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.751 ca.

MỚI - NÓNG