Nghiên cứu khu đô thị rộng hàng nghìn ha ở bãi sông Hồng
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín) với tổng diện tích 11.000ha. Tại đồ án quy hoạch, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480ha (tương đương 50% tổng diện tích quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây PPl dựng rộng 1.190ha (chiếm 11% tổng diện tích).
Hà Nội định hướng 5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%, tương đương 1.590ha. Còn bãi Tàm Xá - Xuân Canh được phép xây dựng tỷ lệ 15%, tức khoảng 408ha.
Đặc biệt, khu vực bãi sông Hồng được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.
Khu vực bãi sông Hồng được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. (Ảnh: Lộc Liên) |
Tại quy hoạch lần này, TP Hà Nội hướng tới việc "quay mặt" ra sông Hồng để kiến tạo không gian giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng.
Để thể hiện sự quan tâm và hiện thực hoá quy hoạch trên, 4 quận của Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên đã thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng". Việc lập đề án hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Người dân sông Hồng được hưởng lợi gì từ quy hoạch?
Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - KTS Lã Hồng Sơn cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bản Quy hoạch phân khu tốt nhất từ trước tới nay khi đã nêu được rất rõ về định hướng đối với các khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng.
Phát biểu tại diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính đánh giá quy hoạch này cực kỳ quan trọng, vì tạo ra việc sử dụng đất hiệu quả, tạo ra các khu kinh tế và hệ thống hạ tầng xã hội. Việc hiện thực hóa quy hoạch mang đến ý nghĩa về phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển hệ thống bất động sản.
Đồng thời, ông Đính bày cho rằng, để triển khai kế hoạch có tính khả thi cao, tạo động lực phát triển tốt, đầu tiên nên ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng, như công trình về trường học, bệnh viện, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại... Song song với đó cũng cần quản lý bảo vệ đất đai, đặc biệt những khu vực đã công bố quy hoạch. Điều này hết sức quan trọng để thực hiện đúng được nội dung, tư tưởng quy hoạch.
Mặc dù việc tổ chức di dân cuốn chiếu nhưng thực hiện công tác này đang gặp khó khăn. |
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến nêu quan điểm, quy hoạch phân khu của sông Hồng là một bước tiến lớn của Hà Nội và cần tổ chức triển khai ngay, nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không làm nhanh thì quỹ đất ven sông, nguồn lực nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu, điển hình như bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát.
Trong khi đó, mặc dù việc tổ chức di dân cuốn chiếu nhưng thực hiện công tác này đang gặp khó khăn. Vì vậy, cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý, giữ lại, tránh thất thoát.
Có thể thấy, về mặt quy hoạch thì phân khu đô thị sông Hồng có tác động rất tốt tới mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, giúp bộ mặt Thủ đô lột xác, hứa hẹn là động lực đưa thị trường bất động sản Hà Nội lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của quy hoạch này, trong khi người dân thuộc khu vực quy hoạch thắc mắc rằng liệu họ có tiếp tục được ở lại đây hay phải rời đi nơi khác, quyền lợi của họ có được đảm bảo khi rời đi?...(CÒN NỮA)