Hà Nội: sản xuất, sinh hoạt đình đốn vì mất điện

Hà Nội: sản xuất, sinh hoạt đình đốn vì mất điện
Tại một số khu vực như Long Biên, Kim Liên, Cầu Giấy... (Hà Nội), người dân cũng bức xúc với việc cắt điện đột xuất mấy tuần nay. Nhà nào cũng phải mua máy nổ, nến hoặc sắm đèn sạc điện để sẵn sàng ứng phó.
Hà Nội: sản xuất, sinh hoạt đình đốn vì mất điện ảnh 1

Công nhân nghỉ việc vì mất điện - Ảnh: Xuân Long

Bà Ngọc (Lâm Du, xã Bồ Đề, Long Biên) than phiền: “Suốt mấy tuần gần đây, tình trạng cắt điện đột ngột vào giờ cơm tối diễn ra thường xuyên. Cụ thể là ngày 23-3, theo thông báo của phường, khu vực nhà tôi chỉ mất điện từ 8g-18g. Nhưng ngày hôm đó đến 23g có điện rồi lại tắt. Việc bật tắt không dưới sáu lần, cứ khoảng 20 phút lại bật, rồi lại tắt”.

Trên tuyến phố Thụy Khuê (Tây Hồ) sáng đầu tuần qua, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Hiệp Hưng mới làm việc được 30 phút cũng phải nghỉ. Bà Phạm Thị Kim Oanh, quản đốc phân xưởng 1 của công ty, bức xúc: “Cả dây chuyền máy móc sản xuất của công ty đang hoạt động bỗng khựng lại. Nồi hơi phục vụ là sản phẩm thô và sản phẩm hoàn chỉnh không kịp ngắt điện dễ dẫn đến nổ bình”.

Tại Trường Tây Sơn, nhiều học sinh phải học trong phòng tối không có điện, trong khi ngoài trời cực kỳ âm u và mưa phùn. Bà Hồng, một phụ huynh học sinh trường này, nói: “Việc cắt điện ở cả trường học là không thể chấp nhận. Một tuần vừa qua có tới hai lần mất điện, cứ đà này các cháu hỏng hết mắt”.

Ông Hoàng Văn Tòng, phó tổng giám đốc Thép Thái Nguyên, cho biết: “Do sản xuất phôi ngốn điện nên nhà máy quyết định giảm sản xuất phôi, duy trì cán thép. Mỗi tấn phôi sản xuất trong nước chúng tôi tiết kiệm được 1 triệu đồng so với sử dụng phôi nhập khẩu. Nay buộc phải giảm tải theo yêu cầu của ngành điện thì hiệu quả kinh doanh sẽ giảm”. Mỗi tháng doanh nghiệp này chi tới 30 tỉ đồng cho điện, không có điện sản xuất đình đốn nhưng hỏi ông ước tính thiệt hại bao nhiêu, ông chỉ cười: “Nói ra nhà đèn giận bắt giảm tải nữa thì chết. Thôi cứ giữ bí mật vậy”.

Ông Trần Hồng Thanh, tổng giám đốc Nhà máy bánh kẹo Hải Hà, cho hay tuần này công nhân phải nghỉ việc hai ngày vào thứ tư và thứ sáu do mất điện.

Từ đầu tháng ba, Điện lực Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã yêu cầu công ty cùng ký cam kết hạn chế sử dụng điện. Một loạt biện pháp đã được thực hiện như giảm điện chiếu sáng xuống một nửa, dừng chạy máy vào giờ cao điểm (18g-22g), tăng cường công suất vào giờ thấp điểm.

Ấy vậy mà có nhiều mẻ sản phẩm vẫn đi tong, công nhân mất không ít công sức để khắc phục vì máy đang chạy bị mất điện hoặc điện sụt áp đột ngột. “Kẹo đang mềm cứng lại, phải bỏ, riêng việc lôi phế phẩm khỏi khuôn cũng mất rất nhiều thời gian” - ông Thanh nói. Ban lãnh đạo nhà máy không dám nghĩ tới giải pháp đầu tư máy phát điện trong thời buổi xăng dầu đắt đỏ như hiện nay vì có sản xuất cũng không hiệu quả.

Công ty phân lân Văn Điển được ưu tiên bởi đặc thù sản xuất sử dụng lò cao nung chảy ở nhiệt độ tới 1.4500C. Song ông Bùi Quang Lanh, giám đốc nhà máy, cho hay giờ cao điểm buộc phải ngừng toàn bộ những thiết bị có thể dừng được để tiết kiệm điện.

Vào khoảng thời gian này, hơn một nửa dây chuyền ngừng hoạt động, riêng ba lò cao phải chạy 24/24 giờ vì chỉ cần ngừng một giờ cũng thiệt hại tiền tỉ. “Một vài lần do bị sự cố, chúng tôi cũng bị cắt điện 1-2 giờ đồng hồ nhưng được báo trước. Khi ấy cán bộ công nhân nhà máy phải ủ lò. Nếu dừng sản xuất một ngày thì 4-5 ngày sau chúng tôi mới sản xuất lại được vì mất nhiều công sức mới đục được 30-40m3 nguyên liệu loãng trong mỗi lò” - vị giám đốc lo lắng.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG