Hà Nội ra công điện khẩn phòng chống COVID-19

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội
TPO - Ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành Công điện khẩn số 07 về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, công điện yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan tiếp tục quyết liệt công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê từ 0 giờ ngày 19/8/2020 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể: giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh; mở rộng đối tượng làm xét nghiệm SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân, bệnh nhân nặng, viêm phổi cấp cứu tại các bệnh viện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền; thực hiện giãn cách tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh; thực hiện chăm sóc người bệnh một cách toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực; kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Sở Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng về Hà Nội xong trong ngày 20/8/2020 và thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung theo quy định.

Sở LĐTB&XH Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại tất cả các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người có công, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn thành phố.

Công điện cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng, sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy tìm “dấu vết”, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan rộng ra cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch của UBND thành phố đã chỉ đạo tại văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14/8/2020; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn không do quân đội quản lý.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.