Bụi phủ khắp các tuyến đường
Những ngày qua thời tiết hanh khô, không có mưa khiến khói bụi tiếp tục gia tăng làm các chỉ số không khí tại Hà Nội tiếp tục xấu đi. Ngoài các chỉ số đo đạc, bằng cảm nhận trực quan, không quá khó để cảm nhận sự bức bí, ô nhiễm của môi trường Thủ đô những ngày này.
17h30 chiều 11/11, bến xe bus cổng Học viện Ngân hàng, đường Chùa Bộc (quận Đống Đa) mù mịt bụi do một công trường xây dựng đổ vật liệu ra đường. Trong khi đó, vỉa hè bị đào lên để lắp cáp điện, viễn thông. Những người đi qua đây phải lấy tay bịt mũi. 9h30 sáng 12/11, nút giao thông Ngã Tư Sở hướng Ngã Tư Vọng có mật độ giao thông đông đúc, các phương tiện nhích từng mét một. Tuyến đường gần 3km, không phải giờ cao điểm nhưng lúc nào cũng trong tình trạng ùn tắc, bụi bay khắp nơi.
Ông Lê Hữu Cầu, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, nói: “Việc ô nhiễm này không thể xem nhẹ, lãnh đạo TP Hà Nội nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Nếu chúng ta không quản lý được các xe chở vật liệu đất đá từ công trường thì chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Chính các phương tiện đó xả đất đá ra đường làm cho lượng bụi tăng lên”.
Các khu vực có mật độ dân số, xe cộ ít hơn nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng bụi phát tán. Đường Sa Đôi đi qua phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) đang được gấp rút hoàn thiện, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Mỗi khi có ô tô cỡ lớn đi qua, người dân phải đóng kín cửa để hạn chế bụi. Đường Nguyễn Trãi, Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, Tố Hữu…, nhiều đoạn cũng đang được đào lên để lắp cáp điện, rải thảm khiến khu vực này luôn trong tình trạng bức bối.
Mong thành phố tưới nước, rửa đường
Năm 2016, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) tạm dừng việc phun rửa đường tại một số tuyến phố để thí điểm bằng phương tiện quét rác, hút bụi tự động. Một năm sau, xe quét rác kiêm hút bụi tự động được triển khai rộng rãi tại nhiều quận.
Hệ thống xe hút bụi, hút rác không mang đến hiệu quả mong đợi được xem là một phần nguyên nhân khiến không khí thủ đô ô nhiễm nặng nề. Một công nhân môi trường cho hay, để xe hút quét phát huy tác dụng tối đa, cần phun nước dập bụi trong suốt quá trình vận hành. “Đường phố nhỏ, vỉa hè người dân để xe máy nhiều thì rất khó dùng máy quét, nếu dùng máy không đúng cách thì chỉ thổi bụi bay tứ tung và nguy hiểm hơn”, anh này nói.
Bà Trần Thị Thanh có cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh đề nghị: “Từ lâu tôi không còn thấy xe rửa đường mà chỉ còn hút bụi, việc chỉ hút mà không rửa như quét nhà nhưng không lau. Mỗi lần xe hút rác đi qua cửa hàng nhà mình là bụi bay mù mịt, tất cả đều phải đóng cửa, chờ 5 đến 10 phút mới tiếp tục buôn bán”.
Ông Bùi Mạnh Cường, trú tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), cho rằng, khí hậu tại Hà Nội không giống như các thành phố khác, nhân sự, công tác vận hành máy hút bụi cũng không được bài bản như tại Đức. Hơn nữa, vào mùa khô lượng bụi rất lớn, cắt bỏ rửa đường khiến lượng bụi gia tăng. “Có thể thành phố tiết kiệm được một khoản ngân sách nhưng thực tế lại khiến sức khỏe nhân dân bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy, gánh nặng cho xã hội”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, công tác tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó, chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính.
Theo bác sỹ Hương, bụi mịn sẽ thấm nhiễm vào trong máu, các cơ quan trong cơ thể, gây bệnh lâu dài. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người, tác động tiêu cực tới quá trình điều trị của bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. “Người già, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém nên việc hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp”, bà Hương nói.