Hà Nội: Nhếch nhác phố văn minh đô thị

Hà Nội: Nhếch nhác phố văn minh đô thị
TP - Với mục đích tạo các tuyến phố kiểu mẫu về văn minh đô thị, Hà Nội đã xây dựng nhiều tuyến phố văn minh thương mại (hiện đổi tên thành tuyến phố văn minh đô thị). Thế nhưng, thực tế nhiều tuyến phố gắn biển “tuyến phố văn minh” nhưng lại lộn xộn, nhếch nhác.

> Nhiều mô hình hay về xây dựng văn minh đô thị
> “Thanh niên sống đẹp”

Theo khảo sát, hầu hết các tuyến phố nằm trong danh sách gắn biển “Tuyến phố văn minh” đều không khác gì nhiều so với các tuyến phố thường. Trên danh nghĩa có rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng có lẽ chưa bao giờ vỉa hè hàng trăm tuyến phố của Hà Nội lại bị lấn chiếm, cơi nới kinh doanh buôn bán tùy tiện như hiện nay.

Hàng loạt phố cổ ở quận Hoàn Kiếm mang biển tuyến phố văn minh đô thị dường như cả hành động lẫn khẩu hiệu đó vẫn không ăn thua vì người dân tiếp tục lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để xe, kinh doanh buôn bán.

Ngay đầu phố Hàng Lược, dù chính quyền phường đã rất cẩn thận treo tấm biển màu đỏ rất to trên cột đèn với thông báo cấm đỗ ô tô, xe đạp, xe máy và buôn bán trên lòng đường vỉa hè, nhưng ngay dưới chân tấm biển chúng tôi vẫn thấy hàng loạt xe đạp, xe máy để trên vỉa hè. Chỉ cách tấm biển khoảng 50m, người dân cắm một cái ô rất lớn choán hết vỉa hè để che mưa, che nắng cho một cửa hàng nhỏ.

 Đối với những phường để vỉa hè bị tái chiếm nghiêm trọng có thể gán trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị đó chứ không nên hô hào khẩu hiệu rồi treo biển cho đẹp  

Một cán bộ Ban Chỉ đạo 197 nói

Để người dân không quên quyết tâm của thành phố, trên tuyến đường Hàng Gà, chỉ cách khoảng 50m, UBND phường Hàng Bồ đặt một tấm biển màu xanh rất to với dòng chữ tương tự phố Hàng Lược. Có lẽ vài chục tấm biển để chình ình trên vỉa hè này cũng không ăn thua vì xe máy, xe đạp vẫn để la liệt trên vỉa hè chắn hết cả lối đi bộ của người dân.

Không còn lối đi trên vỉa hè, khách bộ hành cả trong và nước ngoài buộc phải đi xuống lòng đường. Đầu phố Hàng Bông, UBND phường Hàng Gai cũng treo tấm biển rất to màu đỏ in rõ dòng chữ “Tuyến phố văn minh đô thị” cấm để xe đạp, xe máy, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, bán hàng rong, đeo bám du khách và vứt rác bừa bãi.

Không hiểu tấm biển được treo trên cột điện có khuất tầm nhìn của người dân hoặc nhỏ quá hay không, nhưng việc cấm của phường Hàng Gai bị phớt lờ, hàng trăm chiếc xe máy vẫn được để choán hết vỉa hè. Đặc biệt, tình trạng du khách nước ngoài bị đeo bám ở đây vẫn diễn ra thường xuyên.

Cảnh tượng không khá hơn ở các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Tràng Thi, …những tuyến phố ở khu vực trung tâm có “tuổi” gắn biển tuyến phố văn minh từ lâu, các điểm trông giữ xe chen lấn chiếm hết vỉa hè của người đi đường.

Tại tuyến phố Lý Thường Kiệt, lòng đường hầu hết được kẻ vạch vôi để làm bãi đỗ xe thu tiền. Còn vỉa hè rộng hai bên đều được tận dụng tối đa để kinh doanh. Đơn cử tại số 27 Lý Thường Kiệt, hàng trăm mét vuông vỉa hè đã mọc lên nhà hàng, quán cà phê mang tên Vedell.

Thậm chí, chủ cửa hàng này còn cải tạo cả mặt tiền ngôi nhà và khu vỉa hè cùng gam màu. “Vi phạm, ai cũng biết cả, ấy vậy mà không hiểu những nhà hàng lấn chiếm lòng đường vỉa hè có quan hệ thế nào với chính quyền, với công an mà lại được lờ đi?”- ông Hoàng Anh Dũng, cư dân ở phố Lý Thường Kiệt bức xúc.

Mặc dù có biển tuyến phố văn minh đô thị nhưng mọi người vẫn không có ý thức chấp hành. Ảnh: Ngọc châu
Mặc dù có biển tuyến phố văn minh đô thị nhưng mọi người vẫn không có ý thức chấp hành. Ảnh: Ngọc châu.

Khẩu hiệu hô hào, treo cho đẹp! 

Quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thể hiện rất rõ bằng hành động, các lực lượng công an, thanh tra giao thông… ồ ạt ra quân xử lý vi phạm. Nhưng thực tế, không những không chuyển biến mà nhiều khu vực còn biến tướng.

“Có những đêm Ban Chỉ đạo 197 của thành phố xử phạt hàng triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm hành lang, vỉa hè. Có quán bị xử phạt nhiều lần, nhưng rồi đâu lại vào đó. Thành phố đã phải ra chỉ thị yêu cầu các quận, phường tăng cường kiểm tra xử lý nhất là tại các tuyến phố văn minh đô thị. Đối với những phường để vỉa hè bị tái chiếm nghiêm trọng có thể quy trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị đó chứ không chỉ cứ hô hào khẩu hiệu rồi treo biển cho đẹp” - một vị cán bộ Ban Chỉ đạo 197 nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Ban chỉ đạo 197 cho rằng, tình trạng lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh trái phép; lấn chiếm vỉa hè để trông giữ phương tiện trái phép diễn ra phức tạp. Có một số địa điểm vi phạm lớn nhưng quận, phường đã kiểm tra, xử lý không duy trì được, các điểm vi phạm vẫn tiếp tục lấn chiếm.

Có một thực tế nếu chiểu theo tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị do Thành phố Hà Nội ban hành thì nhiều tuyến phố không đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng giao thông đô thị và tiêu chí hoạt động kinh doanh thương mại. “Việc xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, sau khi xây dựng các quận, huyện cần phải tăng cường kiểm tra, duy trì. Tuyến nào vi phạm, nhếch nhác, lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì cần xoá tên, rút bỏ danh hiệu”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng nhấn mạnh.

KTS Đào Ngọc Nghiêm nói: “Tôi cảm giác việc xây dựng các tuyến phố văn minh hơi dễ dãi. Chẳng hạn, để được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị thì yếu tố vệ sinh môi trường trên các tuyến phố này phải đảm bảo các tiêu chí như mặt đường, mặt hè luôn sạch sẽ, không đọng nước, rác, phế thải. Đặc biệt quan trọng là các điểm trông giữ xe phải được bố trí hợp lý, chứ cấm mà không có chỗ để thì người ta vi phạm là đương nhiên. Quản lý để có văn minh đô thị thì phải xử lý triệt để chứ không thể dung túng hay bảo kê được” - ông Nghiêm nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu Thanh tra GTVT cần thực hiện ngay chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, phối hợp với Công an Hà Nội, chính quyền địa phương thành lập tổ công tác liên ngành về kiểm tra xử lý các điểm đỗ, dừng xe, bãi trông giữ xe trái phép; dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, đồng thời tổ chức sắp xếp lại các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; giải toả các điểm trông giữ trái phép... Thanh tra GTVT phải thực hiện và báo cáo chi tiết trước ngày 20/7.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.