Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng chờ nâng cấp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng trăm nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở Hà Nội được xây dựng từ trước những năm 1990, hiện đã xuống cấp hư hỏng, chậm cải tạo sửa chữa. Trong khi các NVSCC đầu tư theo hình thức xã hội hóa cũng trong tình trạng “sống chết mặc bay”.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có 373 NVSCC, trong đó có 260 nhà gạch và 113 NVSCC vỏ thép. Ghi nhận tại các NVSCC ở các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Nam Từ Liêm cho thấy đa số các NVSCC đều trong tình trạng đã bị xuống cấp.

Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng chờ nâng cấp ảnh 1

NVSCC trên phố Trần Nhân Tông được xã hội hóa do Công ty Vinasing thực hiện

Tại NVSCC gần bến xe Mỹ Đình ngay từ bên ngoài lớp vỏ thép đã xuống cấp, hoen gỉ dán chi chít giấy quảng cáo. Bên trong vòi nước rửa tay không còn nước, các nút bấm xả nước không hoạt động.

NVSCC ở phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), gạch thềm bong tróc, khi bước vào nắp bể nước mở toang, gây nguy hiểm cho người đi vệ sinh. Bên trong, hai buồng khóa kín, hai buồng còn lại, một buồng nước lênh láng dưới sàn. Bà H - công nhân tại đây cho biết, nguyên nhân bởi đường ống nước thoát sàn bé quá, lại làm gấp khúc nên giờ tắc liên tục, nước lênh láng lau dọn không xuể.

Khảo sát tại các NVSCC tại phố Phùng Hưng, Nguyễn Văn Linh, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) cho thấy, những NVSCC này dù nằm ở những mặt phố chính, đông du khách nhưng đã xuống cấp.

Tại NVSCC phố Lý Thường Kiệt, phố Dã Tượng còn bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm, xây dựng lên phần tầng 2 của công trình. NVSCC tại phố Dã Tượng bị các hộ dân xung quanh bóp nghẹt bởi tường rào, lối vào chỉ vừa cho một người đi.

Không có kinh phí để sửa chữa!

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, các NVSCC xây tường gạch ở Hà Nội hầu hết được xây dựng trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm trong các ngõ sâu. Chủ yếu nằm tại 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình.

Đến nay, các khu dân cư đều xây dựng mới và hầu hết đã có nhà vệ sinh tự hoại trong nhà, chỉ còn lại một số ít hộ gia đình không có nhà vệ sinh.

Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, đơn vị đang thực hiện duy trì làm sạch tổng số 176 NVSCC, trong đó có 146 nhà bằng gạch, 30 nhà thép (không bao gồm NVSCC do Cty Vinasing đầu tư).

Urenco cho biết, các NVSCC này đã được xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp, hư hỏng như: phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc; các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ; hệ thống thiết bị hỏng; đèn chiếu sáng đa phần không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sử dụng phục vụ cộng đồng, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, theo Hợp đồng duy trì các NVSCC của hồ sơ mời thầu giai đoạn năm 2021-2023 chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng sửa chữa. Do không có kinh phí cho hoạt động này nên các NVSCC hàng năm không được sửa chữa bảo dưỡng.

Đại diện một đơn vị được giao dọn vệ sinh cho các NVSCC do Cty Vinasing đầu tư cho biết thêm, năm 2017 Cty Vinasing cam kết lắp đặt 500 NVSCC (sau đó giảm xuống 200 - PV) cho thành phố đổi lấy quảng cáo tại 28 cầu vượt đi bộ. Đến nay đơn vị này mới làm được khoảng 80 NVSCC trong đó nhiều nhà không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện bàn giao. Ngay cả khi bàn giao, các công trình còn nhiều lỗi kỹ thuật, như: Không bơm được nước, thiết bị vệ sinh bị rò rỉ, hỏng cửa; đường điện hỏng…

"Việc sửa chữa các NVSCC này hiện đều do chủ đầu tư là Cty Vinasing thực hiện, thế nhưng rất lâu rồi đơn vị này không sửa chữa gây xuống cấp các NVSCC. Chúng tôi đã tập hợp kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng vẫn chưa có gì tiến triển", vị đại diện nói.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang thực hiện duy tu, duy trì 32 NVSCC trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng NVSCC, quận đã triển khai cải tạo, xây dựng lại một số NVSCC như xây mới nhà ở ngõ Hàng Khay, cải tạo, ốp mặt ngoài 3 nhà quanh hồ Hoàn Kiếm để tăng tính thẩm mỹ. Hiện công trình này vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, việc xã hội hóa NVSCC trên địa bàn quận cũng được đánh giá cao. Cụ thể 3 NVSCC được xã hội hóa tại các địa điểm số 5, số 38 Hàng Giầy, 56 Gia Ngư, phía dưới là nhà vệ sinh sạch sẽ hiện đại, phía trên tầng 2 kết hợp làm phòng nghỉ cho khách du lịch.

Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục rà soát các vị trí NVSCC, nếu thấy không còn phù hợp sẽ đề xuất dỡ bỏ. Đồng thời đề xuất cải tạo 3 NVSCCC từ những năm 1960 trên phố Phùng Hưng; bổ sung sửa chữa NVSCC tại vườn hoa Lý Thái Tổ...

Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, từ năm 2016 quận tiếp nhận, quản lý khoảng 70 NVSCC, đến nay số lượng NVSCC giảm còn khoảng 50 nhà. Lý do bởi một số NVSCC ở các vị trí không phù hợp được đề xuất chuyển đổi thành NVSCC kết hợp nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm tuần tra kiểm soát...

Mới đây, 2 nhà vệ sinh tại Đê Tô Hoàng và 269 Ngõ Tân Lập được UBND Thành phố cho phép chuyển đổi xây dựng NVSCC ở tầng một và kết hợp làm nhà văn hoá cho khu dân cư từ tầng hai.

“Quận vừa có đợt rà soát các NVSCC để đề xuất thành phố phương án cải tạo, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay”, vị này thông tin.

Cuối tháng 1/2023, một khảo sát của QS Supplies (tổ chức tại Anh, được hãng Nikkei Asia, Nhật Bản dẫn lại) đã xếp hạng điều kiện NVSCC tại 69 thành phố du lịch trên thế giới. Trong đó, điều kiện NVSCC ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh xếp gần áp chót bảng xếp hạng, chỉ đứng trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.