Về các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực nội thành Hà Nội, nơi có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ với mật độ dân cư đông, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng đang xem xét và xây dựng kế hoạch, chiến lược mới của thành phố trong phòng, chống dịch. Kế hoạch này sẽ sớm được đưa ra.
Trong đợt dịch thứ 4, đến nay Hà Nội ghi nhận 2.770 ca COVID-19, trong đó có 1.425 ca cộng đồng. Từ 1/8 đến nay quận Đống Đa là nơi ghi nhận nhiều ca phát hiện qua sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng nhất (13 ca) và 143 ca là F1 của ca ho, sốt này (ho, sốt thứ phát). Đây cũng là quận phát hiện tới 48 ca F0 qua sàng lọc khu vực phong toả và khu vực nguy cơ cao trong hơn 3 tuần qua.
Huyện Đông Anh có 11 ca ho sốt tại cộng đồng, 199 ca ho, sốt thứ phát; huyện Thanh Trì có 11 ca ho sốt tại cộng đồng, 197 ca ho sốt thứ phát; quận Hoàng Mai có 10 ca ho sốt tại cộng đồng và 69 ca là ho, sốt thứ phát (chủ yếu là ổ dịch tại chung cư HH4C Linh Đàm); quận Hà Đông có 9 ca ho sốt tại cộng đồng và 75 ca ho, sốt thứ phát.
Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, do chưa thể bóc tách được hết F0 tại cộng đồng nên nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn các chùm ca bệnh tại cộng đồng như chùm ca ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).
“Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt với cơ quan chức năng thì vẫn có thể phát hiện được từ sớm. Chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở hai phường Văn Chương và Văn Miếu. Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới", ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho rằng, về mặt tổng thể, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các khu vực ngoại thành của thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Còn ở các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, trước mắt không lo ngại.
Đơn cử các khu vực như phường Văn Chương (quận Đống Đa) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.
Khó khăn hiện nay là có thể có những khu vực không nằm trong vùng nguy cơ nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng. Thành phố sẽ tập trung lấy mẫu tại các địa bàn, các xã, phường tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà, ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều)...
Đảm bảo ô xy y tế đáp ứng 8.000 giường điều trị
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và đặc biệt là ôxy y tế đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Hôm qua (25/8), đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội và kiểm tra công tác bảo đảm sẵn sàng ô xy y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Sở Y tế Hà Nội đã khảo sát nhanh lượng ô xy cần dự trù cho 10.000 người mắc, gồm: 2.000 người ở tầng 2 và 3 cần khoảng 16 tấn ô xy lỏng/ngày; giai đoạn có 8.000 người mắc, tầng 2 và 3 cần 64 tấn ô xy lỏng/ngày. Hiện nay, về cơ bản các bệnh viện đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với các công ty cung cấp khí y tế. Các công ty này cũng đã cam kết cung cấp đủ khí y tế trong trường hợp thành phố có 40.000 người mắc COVID-19.
Đối với hệ thống khí y tế, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng của 32 bệnh viện, hiện có 19/32 bệnh viện có hệ thống khí ô xy lỏng trung tâm, trong đó có 1.587 ổ ô xy, cần bổ sung bồn chứa, họng ô xy, nén, hút và các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống khí y tế để đáp ứng 8.000 trường hợp mắc.
Sở Y tế đã yêu cầu 32 bệnh viện được giao điều trị bệnh nhân COVID-19 chủ động phối hợp chủ đầu tư rà soát hệ thống khí y tế, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, bố trí khu vực nâng cấp, lắp đặt khí nén, bồn ô xy lỏng, bảo đảm đáp ứng công tác điều trị theo các giai đoạn.
Kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, Hà Nội phải luôn đi sớm một bước, đi trước một bước và cao hơn một bước. Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo, rà soát, hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các tầng điều trị bệnh nhân mức độ vừa, nặng, nguy kịch. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần chủ động theo dõi điều hành, điều phối sử dụng ô xy y tế trong các các đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Riêng đối với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, bệnh viện cần hoàn thiện, có phương án phòng, chống cháy nổ; có phương án tiếp đón, thu dung, phân luồng bệnh nhân; chuẩn bị đầy đủ phương án hậu cần cho cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các tầng điều trị. Đặc biệt, bệnh viện phải có phương án dự phòng để sẵn sàng đáp ứng khi có các sự cố xảy ra.