Hà Nội muốn giữ quy định về hình xăm

TP - Chưa thể ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô và bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng từ 1/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết tiếp tục điều chỉnh cho tới khi đạt đồng thuận cao.

Trong buổi gặp cuối tháng 12, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, hứa ban hành hai bộ quy tắc ứng xử từ 1/1/2017. Đến nay, Hà Nội vẫn chưa thể ban hành, theo ông Động “vì bộ quy tắc tác động tới hàng triệu người, trong quá trình xây dựng chúng tôi phải làm chặt chẽ, bài bản, tạo đồng thuận cao, mới chuyển cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Gần đây, một số quy định trong bộ quy tắc vấp phải phản ứng của nhiều tầng lớp. Nhất là quy định “không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp”. Mọi người lo khó khả thi với từ định tính “phù hợp”. Ông Động cho rằng nhiều tiêu chí trong bộ quy tắc không thể lượng hóa được, nhưng dùng từ “phù hợp” để mỗi người tự điều tiết.

“Cán bộ nói chung và Hà Nội nói riêng có những ứng xử lệch chuẩn. Họ không hiểu mình là công bộc của dân, ăn lương bằng tiền thuế của dân, không thể cửa quyền. Tôi cho rằng bộ quy tắc nên tập trung vào biểu hiện văn hoá ứng xử của công chức viên chức”, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói. Còn quy định về trang phục, theo ông không nên quá chi tiết. Ông cũng nhấn mạnh, đến Hà Nội nghĩa là đến trung tâm văn hoá lớn, mỗi người phải tự xác định hành vi, cung cách ứng xử tinh tế. “Nhập gia tuỳ tục, không thể nói tôi ở nhà quê ra tôi cứ vứt bậy, vệ sinh bậy, gọi nhau oang oang giữa phố. Hà Nội phải xây dựng nền văn hoá được thế giới thừa nhận, hội nhập với văn minh chung của nhân loại”, ông Chức nói.

Trả lời báo chí hôm 5/1, ông Tô Văn Động cho biết dù có điều chỉnh về tiêu chí trang phục nhưng Sở vẫn giữ tiêu chí “không xăm hình, vẽ hình phản cảm”, váy dài tới gối. Tuy nhiên ông nhắc lại, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới là người có thẩm quyền phê duyệt cuối cùng. Đại diện Sở nhấn mạnh vai trò truyền thông khi đưa hai bộ quy tắc vào thực hiện, để mọi người hiểu và đồng lòng thực hiện, có vậy dần dần mới trở thành nếp sống. Sau hai bộ quy tắc ứng xử, Hà Nội tiếp tục ban hành bộ quy chế hoạt động kinh doanh ăn uống, theo đó sẽ dẹp loạn bún mắng cháo chửi.

Một số quy tắc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thủ đô: Không hút thuốc tại cơ quan, phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn, hát karaoke trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử và các thiết bị trò chơi, giải trí cá nhân trong giờ hành chính.

Khi ứng xử với người dân: Niềm nở, lịch sự, nghiêm túc, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn, tận tình, chuẩn mực, liêm khiết, công tâm, giữ đúng phạm vi quyền hạn, kiềm chế, kiểm soát hành vi.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.