Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn sở hữu vị trí “vàng” phía tây Hà Nội, ngay mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), sát trục Đại lộ Thăng Long và cách trung tâm thủ đô 10 km. Đây là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh. Dù được xây dựng và hoàn thiện từ lâu, nhưng Thiên đường Bảo Sơn vẫn còn nhiều căn biệt thự chưa có người ở. Nhìn từ trên cao, số lượng nhà đã hoàn thiện chỉ lác đác.
Nằm sát đó là khu biệt thự thấp tầng thuộc khu đô thị Nam An Khánh - Sudico do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico làm chủ đầu tư, đã xây dựng phần thô xong từ lâu nhưng tới nay vẫn vắng bóng người ở. Tại đây, có các dạng kiến trúc gồm biệt thự nhà vườn, diện tích 210 - 383 m2, biệt thự đơn lập diện tích 355 - 1.201 m2 và biệt thự song lập có diện tích 281 - 681 m2. Sau nhiều năm không có người ở, cỏ cây dại mọc um tùm cao đến 2 mét bịt kín lối qua lại.
Cũng tại An Khánh, khu biệt thự Hoa Phượng được quây tôn kín ngăn người lạ ra vào. Tổng diện tích của khu biệt thự là 84.499 m2 với quy mô 147 căn 3 tầng. Giá giao dịch hiện tại khoảng 10 tỷ đồng/biệt thự xây thô.
600 căn biệt thự được thiết kế theo phong cách tân cổ điển nằm trong khu đô thị Lideco (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có quy mô 38,23 ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng sau 14 năm xây dựng cũng vắng bóng người ở. Ngoài những ngôi biệt thự đã hoàn thiện mang kiến trúc sang trọng, nhiều căn mới được xây xong phần thô cũng bị bỏ hoang nhiều năm. Dãy nhà liền kề nằm tại vị trí trung tâm khu đô thị Lideco nhưng cũng thưa thớt người dân dọn đến ở. Tại quận Tây Hồ, hiện cũng có đến 44 căn biệt thự sơn trắng bên ngoài đẹp đẽ nhưng bỏ hoang 5 năm nay.
Xử lý thế nào?
Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên. Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị “ma” xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Về những ngôi nhà bỏ hoang, ông Phạm Thế Vinh, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ) cho biết, dự án làng du lịch Đại Đoàn Kết Hồ Tây đã được sơn trắng bề ngoài nhưng nhiều năm nay không thấy dân về ở. Liên quan đến việc xử lý thực trạng này, vị lãnh đạo phường này nói: chưa có cách gì.
Còn đại diện phường Nam An Khánh (Hoài Đức) thì cho hay, theo quy định, dự án sau khi hoàn thiện thô thì được bán. Chủ đầu tư Sudico Nam An Khánh có trách nhiệm xây dựng hạ tầng và bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa bàn giao. Còn việc các dự án trên địa bàn phường người dân mua nhưng không về ở, bỏ hoang chính quyền cũng chỉ biết nhắc nhở chủ đầu tư chứ phường không nắm được người mua là ai.
Nguyên nhân dẫn tới dự án bỏ hoang, theo một chuyên gia, ở Việt Nam, nhà đầu tư hay chủ đầu tư có kinh nghiệm không nhiều, nên dẫn đến đưa ra dự án không đúng thời điểm và trở thành “dự án chết”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, trong phân khúc đất nền, người mua phần nhiều là nhà đầu tư lướt sóng, nên mới có tình trạng dự án đã xong nhưng bị bỏ hoang.