Sẽ thống nhất quản lý màu sơn đối với xe taxi. |
Đây là một trong những vấn đề được đặt ra trong Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn Hà Nội giai đoạn từ nay tới năm 2015 và định hướng đến năm 2030 do Viện Chiến lược và phát triển GTVT và Sở GTVT Hà Nội phối hợp xây dựng.
1 km2 đường có tới 16 xe taxi hoạt động
Theo khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong số hơn 17.405 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 14.000 xe hoạt động tại 10 quận nội thành. Đó là chưa kể tại khu vực sân bay Nội Bài có 4 DN taxi hoạt động với khoảng 700 xe thường xuyên đưa khách từ sân bay vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trung bình, mỗi km2 đường đô thị phải "gánh" 16 xe taxi hoạt động. Theo tính toán, với 17.000 xe taxi phải cần tới 10 - 15ha đất để dừng đỗ, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được từ 5 - 10% nhu cầu, dẫn đến quá tải và UTGT trên các tuyến phố, nút giao thông trong khu trung tâm.
Theo quan điểm mà Đề án đặt ra thì taxi là loại hình vận tải khách công cộng nhưng về lâu dài taxi không phải là loại hình vận tải khách được khuyến khích phát triển. Bởi so với các loại hình xe buýt, BRT, Metro thì hiệu quả vận tải khách của taxi thấp hơn nhiều lần. Thêm vào đó, tại khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, khu vực trung tâm thành phố sự hiện diện với số lượng lớn của taxi có thể làm gia tăng ùn tắc giao thông.
Hiện mới có khoảng 20 hãng taxi lớn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ (đầu tư xe tốt, lái xe được trang bị đồng phục và ứng xử thân thiện, lịch sự với khách hàng). Phần lớn các hãng, chất lượng dịch vụ rất kém, thậm chí có hành vi gian lận cước như gắn chíp điện tử hoặc chạy lòng vòng. Cũng do buông lỏng trong công tác quản lý nên tình trạng lái xe dừng, đỗ sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường khá phổ biến. Thậm chí thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra các trường hợp lái xe taxi chống người thi hành công vụ…
Dự báo, tổng số phương tiện taxi toàn TP phù hợp đến năm 2015 khoảng 21.000 xe và đến 2020 khoảng 26.000 xe (riêng khu vực trung tâm năm 2015 khoảng 10.000 xe; năm 2020 khoảng 12.500 xe), vì vậy để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của TP rất cần những chính sách, giải pháp về quản lý đối với loại hình vận tải này.
Phân vùng và thống nhất màu sơn theo lộ trình
Đề án, đưa ra 7 nhóm giải pháp quản lý taxi đến năm 2020 gồm: bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi; phân vùng hoạt động vận tải taxi theo phạm vi trong và ngoài vành đai 3; quản lý khai thác vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung; tăng cường quản lý nguồn nhân lực từ quản lý, điều hành và lái xe taxi…
Trong đó, giai đoạn 2012-2015 sẽ tập trung hạn chế phương tiện hoạt động trong vùng trung tâm, như tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi; đấu thầu hoạt động khai thác vận tải hành khách bằng taxi trong khu vực vùng trung tâm; taxi hoạt động trong vùng trung tâm phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP; các phương tiện taxi trong vùng trung tâm được đón trả khách ở ngoài, các phương tiện taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm không được vào trong vùng đón khách.
Tổng kiểm tra các hãng taxi ở Hà Nội để đưa hoạt động taxi vào quy củ. |
Giai đoạn này, các xe taxi đăng ký mới sẽ thực hiện chuyển đổi màu sơn và đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn; bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mẫu hóa đơn do Sở Tài chính ban hành.
Đối với giai đoạn sau 2015, 100% taxi hoạt động trên địa bàn TP sẽ thống nhất một màu sơn, các hãng khác nhau thì gắn thêm logo hãng kèm theo. Phương tiện hoạt động ngoài vùng trung tâm mang màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vùng trung tâm; taxi đưa đón khách sân bay có màu sơn riêng. Các DN phải bảo đảm ít nhất 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Đặc biệt, với cách quy hoạch và lộ trình hợp lý, số lượng taxi hoạt động ở khu vực trung tâm sẽ giảm 40% so với hiện tại, cùng với đó số lượng taxi hoạt động thường xuyên trong khu vực trung tâm chỉ còn khoảng 10.000 xe (năm 2015) và 12.500 xe (năm 2020).
Mục tiêu của đề án là không hạn chế một cách cơ học hoạt động vận tải khách bằng taxi mà từng bước buộc các DN taxi phải hoạt động dựa trên sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, dựa trên chiến lược phát triển lâu dài và bền vững của TP. Qua đề án này, có thể thấy Hà Nội đang hiện thực hóa việc siết chặt quản lý hoạt động taxi một cách khoa học.
Theo Văn Thanh
Giao thông vận tải