>> Kỳ 1
Hà Nội cũng là nơi cụ Monpezat, một nhà kinh doanh và là ông nội của Hoàng thân Henrik qua đời. Trái tim cụ Monpezat được lấy ra khỏi lồng ngực đặt vào bình tro gắn kín chuyển về Pháp.
Từ trái: Nữ hoàng Margrethe II, Hoàng thân Henrik, Công nương và Thái tử tại biệt thự 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội - Ảnh: TTXVN |
Ngược dòng thời gian
Do chuyến thăm tòa biệt thự 80 Phan Đình Phùng được thực hiện vào ngày Chủ nhật, cơ quan Ủy ban Dân tộc không làm việc nên các vị khách Đan Mạch chỉ đi quanh tòa nhà xem bề ngoài.
Theo Hoàng thân Henrik, bên trong khuôn viên tòa biệt thự gần như không thay đổi mấy nhưng cảnh quan bên ngoài và cách bố trí căn nhà từ mục đích để ở trước kia thành nơi công sở hiện nay có nhiều thay đổi.
Những kỷ niệm thuở thiếu thời ào ạt hiện lên trong tâm trí khiến vị Phu quân của Nữ hoàng Đan Mạch xúc động mạnh. Trước năm 1945, con phố lớn rợp bóng cây trước tòa biệt thự này có tên là phố Carnot. Sau Cách mạng tháng Tám, con phố này được đổi tên là phố Phan Đình Phùng.
Hoàng thân Henrik chỉ cho Nữ hoàng Margrethe II, các con trai, con dâu và những vị cùng đi chiếc cầu thang mà ông cùng với người chị gái Francoise lớn hơn ông hai tuổi và em gái út Anne Marie vẫn thường đi xuống tầng dưới mỗi buổi sáng để chào và ôm hôn ba, mẹ.
Chiếc cầu thang dẫn lên tầng ba được đặt trong một cái tháp vuông. Ngày đó, phòng ngủ của ba chị em chú bé Henri de Laborde de Monpezat ở tầng trên cùng và là các phòng ở cuối hành lang của tòa nhà. Mỗi lần xuống dưới chào ba, mẹ hay những lúc đi chơi về leo được lên phòng của mình thì cả ba chị em đều mệt hết cả hơi.
Ngày đó, tầng trệt của tòa nhà là nơi làm việc của những người quản gia và thư ký- những người lúc nào cũng tỏ ra thân tình với ba chị em bé Henri de Laborde de Monpezat.
Các anh chị em của Hoàng thân Henrik ngày còn nhỏ cùng với các chị vú nuôi tại Hà Nội năm 1935. - Ảnh: Rút từ Hồi ký của Henri de Laborde de Monpezat “Mệnh Giời bắt thế” |
Tại đây, trong thế giới riêng của ba chị em còn có các chị vú nuôi được đặt tên là các Thị Hai, Thị Ba, Thị Tư.
Trong cuốn hồi ký “Mệnh Giời bắt thế” của mình, Hoàng thân Henrik có đoạn viết về ba chị vú nuôi này với tình cảm trìu mến và yêu quý đặc biệt: “Lòng cảm mến của tôi dành cho chị Thị Hai thực sự sâu xa, thậm chí còn hơn nhiều nếu so sánh với chính ba mẹ tôi, vì tôi chỉ có thể được gặp ba mẹ vài lần trong chốc lát mỗi ngày vào các buổi sáng và buổi chiều.
Lòng tận tụy của chị thật không thể đo đếm được. Khi đã gắn bó với chị Thị Hai như thế, tôi có thể phát khóc lên được mỗi khi nghĩ rằng một ngày nào đó chị sẽ chia tay tôi...”.
Cũng trong cuốn hồi ký nói trên, Hoàng thân Henrik cho biết riêng về cô em gái út Anne Marie đã đoản mệnh, qua đời năm 1938, một năm trước khi cậu bé Henri de Laborde de Monpezat và chị Francoise được ba mẹ đưa về Pháp một thời gian.
Ảnh: Rút từ Hồi ký của Henri de Laborde de Monpezat “Mệnh Giời bắt thế” |
Sau một hồi thăm tòa biệt thự 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội, Hoàng thân Henrik quên cả đoàn xe xích lô đang chờ. Ông đi bộ dẫn Phu nhân và các con mình phá vỡ chương trình thẳng tiến ra Đền Quán Thánh cuối đường Thanh Niên, gần Hồ Tây khiến mấy anh an ninh theo đoàn tá hỏa.
Lòng cảm mến của tôi dành cho chị Thị Hai thực sự sâu xa, thậm chí còn hơn nhiều nếu so sánh với chính ba mẹ tôi, vì tôi chỉ có thể được gặp ba mẹ vài lần trong chốc lát mỗi ngày vào các buổi sáng và buổi chiều. Lòng tận tụy của chị thật không thể đo đếm được. |
Đền Quán Thánh là một trong những nơi trước đây ông vẫn thường được các chị vú nuôi dẫn đến để thắp hương, hoa và rút thẻ số. Có lần, cậu bé Henri de Laborde de Monpezat sau khi đã cùng các chị vú nuôi thắp hương, cũng chắp tay đứng trước tượng những vị thánh lầm rầm khấn, cầu xin những điều của trẻ con vẫn mong ước làm sao giữ được chị Thị Hai mà cậu vô cùng yêu quý luôn ở bên mình.
Hoàng thân Henrik kể rằng giữa khói hương nghi ngút, chú bé Henri de Laborde de Monpezat cảm thấy mình gần với Đức Phật hơn là với Chúa Jesus. Nụ cười của Phật có vẻ rộng lượng hơn với những tình cảm ưu ái của trẻ con.
Vào những ngày Rằm, đôi khi bé Henri de Laborde de Monpezat còn được các chú tiểu tặng những chiếc oản, mứt sen, hoặc bánh đậu đen, bánh gai bọc lá chuối...
Chờ một hồi lâu trước tòa biệt thự 80 Phan Đình Phùng không thấy đoàn khách Đan Mạch trở lại, các tài xế xích lô bèn di chuyển đến cửa Đền Quán Thánh để chở Nữ hoàng Margrethe II, Hoàng thân Henrik và các vị cùng đi một đoạn trên đường Thanh Niên.
Đoàn khách ngồi trên xe xích lô chuyển động chậm chạp để ngắm cảnh Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Trong ký ức của Hoàng thân Henrik, ven Hồ Tây là nơi chú bé Henri de Laborde de Monpezat hồi nào hay được các chị Thị Hai, Thị Ba dắt đến chơi, ăn phở nóng của những gánh hàng rong.
Ngày đó nơi đây có nhiều hoa sen nở gần bờ, còn xa xa là những chiếc thuyền mảng như những lá tre nổi trên mặt nước. Khi đoàn xe xích lô chở Nữ hoàng Margrethe II tới gần quán Bánh Tôm Hồ Tây nổi tiếng của Hà Nội thì quay đầu trở về Khách sạn Sofitel Metropol.
Cơ nghiệp nhà Monpezat
Tài liệu do Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội cung cấp cho thấy người đầu tiên của dòng họ Monpezat đến Đông Dương lập nghiệp là cụ Monpezat, ông nội của Hoàng thân Henrik.
Cụ Monpezat sinh năm 1868 tại Pau, Pháp. Năm 1892, khi Monpezat mới 24 và còn đang học đại học ở Paris, tại Pháp có phong trào đi khai thác thuộc địa.
Hầu hết bạn bè của Monpezat đi tìm vận may ở châu Phi hay sa mạc Sahara. Riêng Monpezat do ham muốn phiêu lưu khám phá miền đất mới ở Viễn Đông, chàng sinh viên này đã bỏ học để sang Bắc Kỳ (miền BắcViệt Nam) để thực hiện ước mơ đi xa.
Trước khi lên đường, Monpezat bán sạch phần tài sản được thừa kế của mình ở Bearn. Tại xứ Bắc Kỳ nhờ có mối quan hệ bạn bè từ trước với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Delcassé thời đó và tài nắm bắt cơ hội, nhà tư bản Monpezat nhanh chóng trở nên giàu có.
Monpezat đầu tư vào các lĩnh vực đồn điền trồng cà phê, chè, khai mỏ, giao thông, mở trường đua ngựa, sản xuất và buôn bán rượu vang, và lập ra một trong những tờ báo tiếng Pháp lớn ở Hà Nội mang tên La Volonté Indochinoise (tạm dịch: Ý Chí Đông Dương).
Cụ Monpezat sinh được hai người con trai nhưng đều sống ở Pháp với người vợ đã ly hôn với cụ để đi bước nữa với một sĩ quan quân đội.
Năm 1928, dường như cảm nhận được điềm chẳng lành sắp xảy ra, cụ Monpezat cho gọi hai con trai lúc đó mới 23 và 21 tuổi sang Hà Nội. Trong đó, người con út chính là cụ Henri de Monpezat, 21 tuổi, cha ruột của Hoàng thân Henrik.
Ba cha con sống được với nhau đúng sáu tháng thì năm 1929 cụ Monpezat qua đời tại Hà Nội, thọ 60 tuổi. Trong hồi ký của mình, Hoàng thân Đan Mạch kể rằng thi thể cụ Monpezat được chôn cất ở Hà Nội, chỉ riêng trái tim cụ được lấy ra khỏi lồng ngực đặt trong một bình tro gắn kín, mang về cố quốc.
Tài sản cụ Monpezat để lại gồm các nhà xưởng công nghiệp, 40.000 ha đồn điền khác nhau, nhiều xưởng kéo sợi, mỏ than, tàu thuyền chở ngũ cốc, một tờ báo Ý Chí Đông Dương, một chuồng ngựa đua gồm 150 con và đồ đạc nội thất, nhất là đồ gỗ nhiều vô kể.
Đáng chú ý là trong di chúc đoạn thừa kế tài sản, cụ Monpezat dặn chia phần cho cả hơn 150 người giúp việc.
Henri Monpezat, cha của Hoàng thân Đan Mạch, lúc đó chưa có gia đình riêng nên được cụ Monpezat trước khi qua đời sắp xếp cho ở tại ngôi biệt thự số 80 Phan Đình Phùng, trong khi người anh trai được bố trí ở một tòa nhà khác.
Hai năm sau khi cùng với anh trai mình tiếp quản cơ ngơi của người cha quá cố để lại, cụ Henri Monpezat mới kết hôn với người phụ nữ Pháp đã qua một đời chồng mà cụ mới gặp ở Hà Nội.
Người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ này dám một mình mạo hiểm thân gái dặm trường sang Hà Nội, sau này sinh ra Hoàng thân Đan Mạch Henrik hiện nay.
Hoàng thân Henrik kể rằng ngày mới bốn tuổi sống cùng ba, mẹ tại nhà 80 Phan Đình Phùng, chú bé Henri de Laborde de Monpezat hồi đó thường sang xưởng in báo của ba lấy những khuôn chữ bằng chì chơi trò xếp hình. Chú bé hay được những nhà báo và công nhân sắp chữ bế vào lòng.
Hình như đã có lần ông Phạm Văn Đồng - người làm việc hai năm cho tờ Ý Chí Đông Dương, sau đó trở thành Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - bế cho bé Henri de Laborde de Monpezat ngồi trên đùi ông.
Hoàng thân Henrik, 75 tuổi, nhẹ nhàng dìu Nữ hoàng Đan Mạch, 69 tuổi, ngồi xuống ghế đá trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Cử chỉ ấy gợi lại hình ảnh nhà ngoại giao Henri de Laborde de Monpezat 32 tuổi ngày nào ngồi tâm tình với Công chúa Margrethe của Hoàng gia Đan Mạch trên ghế Công viên Hyde ở London... |
Đón đọc kỳ 3: Mối tình sét đánh với Nữ hoàng Margrethe II