Hà Nội: Khoan giếng để bổ sung nước cho công viên 300 tỷ

Quận Thanh Xuân đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT thống nhất và trình Thành phố xin chủ trương khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân.
Quận Thanh Xuân đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT thống nhất và trình Thành phố xin chủ trương khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân.
TPO - Cơ quan chức năng thống nhất trình Thành phố Hà Nội xin khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân cũng như tiến hành làm sạch bèo tấm, cỏ dại mọc tại một số vị trí nước cạn sau khi Tiền Phong phản ánh.
UBND quận Thanh Xuân vừa có văn bản báo cáo Thành phố Hà Nội liên quan đến thông tin báo điện tử Tiền phong ngày 11/6/2019, phản ánh về tình trạng ô nhiễm, cỏ dại mọc, nước hồ cạn tại Công viên 300 tỷ đồng (Công viên Thanh Xuân-PV).
Theo ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, công tác thực hiện duy trì vệ sinh hồ nước và vận hành trạm bơm điều hòa nước hồ trong công viên Thanh Xuân do Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội - Xí nghiệp thoát nước số 6 thực hiện theo hình thức đặt hàng theo đơn giá quy định hiện hành.
Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về việc ô nhiễm nước hồ và công tác vệ sinh môi trường hồ nước trong Công viên Thanh Xuân, quận  này đã họp kiểm điểm phê bình tập thể, cá nhân có liên quan và yêu cầu các đơn vị dọn vệ sinh sạch sẽ lòng hồ.
“Đến ngày 06/6/2019, toàn bộ lòng hồ đã được dọn vệ sinh sạch sẽ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân  đã bàn giao mặt bằng sạch cho Xí nghiệp thoát nước số 6 tiếp tục duy trì hồ điều hòa”, văn bản báo cáo nêu rõ.
Đối với phản ánh của báo Tiền Phong, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, mấy ngày gần đây trời nắng nóng, mực nước hồ tiếp tục cạn cao độ trung bình ≈ 0,9m, không có cây bụi mọc, tại một số vị trí cạn nước có bèo tấm và cây cỏ dại tiếp tục phát triển, nước hồ có màu rêu, không có mù hôi, thối, không có rác, túi ni lông, sát chân kè có lớp đá chống xói chân kè, không phải túi ni lông, rác nổi trên mặt nước.

“Chúng tôi đã chỉ đạo xử lý làm sạch bèo tấm, cỏ dại mọc tại một số vị trí nước cạn sau khi báo Tiền Phong phản ánh”, vị này cho biết.

Hà Nội: Khoan giếng để bổ sung nước cho công viên 300 tỷ ảnh 1 Sau khi báo Tiền Phong phản ánh, Công viên Thanh Xuân đã được xử lý làm sạch bè tấm và cỏ dại mọc ở những vị trí cạn nước ở lòng hồ điều hòa.
Để bổ sung mực nước hồ, theo ông Thái, quận Thanh Xuân đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT thống nhất và trình Thành phố xin chủ trương khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân.
“Ngày 7/6, Thành phố đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về việc thăm dò khoan giếng để cấp bổ sung nước cho Công viên Thanh Xuân và yêu cầu các Sở ngành rà soát báo cáo lại Thành phố. Sau khi được UBND Thành phố chấp thuận, quận Thanh Xuân sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay để đảm bảo mực nước hồ điều hòa”, vị này thông tin.
Trả lời câu hỏi của PV, với diện tích mặt nước của hồ điều hòa Công viên Thanh Xuân rộng lớn, liệu phương án khoan giếng tại chỗ để bổ sung mực nước có khả thi? "Sau khi Thành phố đồng ý cho khoan thăm dò, chúng tôi sẽ mời các đơn vị và chuyên gia chuyên môn để đánh giá kỹ về nguồn nước ngầm rồi mới thực hiện khoan giếng tại chỗ. Dự tính khoan giếng bổ sung khoảng 3000m2 nước là khả thi", vị này lý giải. 
Như Tiền phong phản ánh trước đó, Công viên Thanh Xuân được đưa vào hoạt động gần 1 năm nay và thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ô nhiễm, cỏ dại mọc, trong khi mực nước trong hồ điều hòa bị cạn, đặc biết vào thời điểm nắng nóng.

Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (nay được đổi tên thành Công viên Thanh Xuân) do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 13,2ha, trong đó phần diện tích mặt nước là 8ha. Dự án được khởi công vào tháng 5/2016 với tổng mức đầu tư gần 299 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách quận. Sau gần 1 năm đưa vào hoạt động, công viên chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân khi luôn để tình trạng ô nhiễm xảy ra.

MỚI - NÓNG