Hà Nội: Hụt thu nhiều, phải giảm chi lớn

Hà Nội: Hụt thu nhiều, phải giảm chi lớn
TP - Ngày 26/9, tại Hội nghị giao ban các quận, huyện và các sở, ban, ngành Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trước tình hình kinh tế khó khăn hụt thu ngân sách lớn, thành phố chưa bố trí vốn xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc. Dù nhiều trụ sở cơ quan của Hà Nội đều thua kém các tỉnh thành khác về diện tích và cả chất lượng xây dựng.

> Cần giảm thuế phí, chi tiêu công

Báo động việc thu ngân sách đạt thấp

Các đại biểu cho rằng, kết quả thu, chi ngân sách của TP phản ánh thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là tại các lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng, xây dựng, bất động sản.

Cùng với đó, việc thực hiện miễn, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của TP. Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn, chỉ tính riêng khối ngân hàng và bất động sản, TP đã hụt thu trên 5,3 nghìn tỷ đồng.

Còn ở khối doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm nay, thu thuế VAT cũng giảm 266 tỷ đồng so với cùng kỳ, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 4,6 nghìn tỷ. Ông Tuấn đề nghị các địa phương cùng các ngành chức năng đôn đốc chống nợ đọng thuế.

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông đề nghị TP sớm có chủ trương cho phép chuyển đổi đất xen kẹt, vườn liền kề thành đất ở để vừa đáp ứng nhu cầu người dân, vừa tăng thu ngân sách từ nguồn này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đã được giao nhưng chậm triển khai, chậm nộp tiền sử dụng đất.

Bên cạnh các biện pháp tăng thu, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng, cần quyết liệt rà soát các nhiệm vụ chi (kể cả chi thường xuyên, chi xây dựng cơ bản) trên tinh thần cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cấp bách. Ngoài việc cắt giảm, sử dụng quỹ dự trữ tài chính theo quy định, rà soát các quỹ tài chính hiện có, cân nhắc thật kỹ việc phát hành trái phiếu nếu không nguy cơ nợ ngân sách sẽ bị quá tải.

Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Hà Nội chưa điều chỉnh nhiệm vụ chi, song yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại các khoản chi chưa thực hiện, kể cả những khoản chi đã được duyệt nhưng chưa thực sự cấp bách để cắt giảm.

“Về công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản yêu cầu các địa phương có nợ đọng cần rà soát, thống nhất một con số nợ chính xác, từ đó bố trí ngân sách năm 2014 để xử lý, với nguyên tắc là nợ đọng của cấp nào thì ngân sách cấp đó chịu trách nhiệm chi trả”- bà Thanh nói.

Tiết giảm cả chi đầu tư phát triển

Cảnh báo về nợ đọng xây dựng cơ bản, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho biết, nợ xây dựng cơ bản của các quận huyện đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Việc tổng hợp nợ còn có vấn đề, một số huyện báo cáo kiểm toán chỉ rõ còn nợ nhưng lại báo cáo UBND TP là không còn nợ…

“Vấn đề quản lý nợ xây dựng cơ bản, dù TP tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng có cảm tưởng thuốc kháng sinh bị nhờn, không ăn thua. Ở đây, tính kỷ cương trong điều hành ngân sách hằng năm chưa nghiêm”, ông Hoạt nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, hạn chế các khoản chi không cần thiết. Từ đầu năm tới nay, TP hầu như không mua sắm các phương tiện, xe cộ, trừ xe cứu hỏa, cứu thương, phục vụ các nhiệm vụ cấp bách.

Thành phố cũng chưa bố trí ngân sách xây dựng, sửa sang trụ sở làm việc. Rất nhiều trụ sở cơ quan của Hà Nội, từ phường, xã tới thành phố, đều thua kém các tỉnh, thành phố khác về mặt diện tích cũng như chất lượng xây dựng. Việc từ lâu TP đã dự định xây dựng khu liên cơ quan nhưng do tình hình khó khăn, đã phải tạm dừng.

Ngay cả việc sửa chữa, nâng cấp cũng rất hạn chế. TP cũng rất tiết kiệm và hạn chế chi cho hội họp, công tác nước ngoài, kể cả tham quan, du lịch trong nước hay hoạt động kỷ niệm nhân các sự kiện... “Chúng ta đã hụt thì nhất định phải điều chỉnh chi, kể cả chi cho đầu tư phát triển”, ông Phạm Quang Nghị nói.

Theo báo cáo, 8 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt gần 80 nghìn tỷ đồng (bằng 16,5% tổng thu ngân sách của cả nước), bằng 49,5% dự toán và bằng 93,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG