Hà Nội ghi nhận thêm 6 ca dương tính SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Sáng 8/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho biết đã phát hiện 09 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó 06 ca tại cộng đồng, 03 ca nhập cảnh cách ly tại khu cách ly tập trung.

Cụ thể, trong đó có 02 bệnh nhân tại Hà Đông là F1 của BN3100 (BN3100 về từ ổ dịch Mão Điền - Bắc Ninh). Bệnh nhân thứ nhất là nữ, sinh năm 2015 tại Phúc La, Hà Đông và bệnh nhân thứ hai là nam, sinh năm 1980 ở Yên Nghĩa, Hà Đông.

1 bệnh nhân nữ, sinh năm 1993 tại Phúc Xá, Ba Đình là F1 của BN3092 ở Thường Tín có tiền sử dịch tễ về từ Đà Nẵng.

1 bệnh nhân nữ, sinh năm 1987 tại Vân Hòa, Ba Vì là F1 của bệnh nhân H.N.T.L tại Hưng Yên.

1 bệnh nhân nữ, sinh năm 1987 ở Hiệp Thành, Phúc Thọ là trường hợp người nhà đến chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim chung từ 20-25/4.

1 bệnh nhân nữ, sinh năm 1985 tại Khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai. Đây là trường hợp trở về từ ổ dịch Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ngoài 06 ca mắc tại cộng đồng, đã ghi nhận 03 trường hợp nhập cảnh, cách ly tập trung tại B58, Hòa Thạch, Quốc Oai cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân đã từng đến khám chữa bệnh, chăm sóc người nhà, thăm bệnh nhân, làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung từ ngày 14/4 đến nay, đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày từ ngày 16/4 đến nay và có các yếu tố dịch tễ liên quan đến những vùng dịch khác cần thực hiện khai báo y tế, liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115 – 0949.396.115.

Nữ nhân viên thẩm mỹ dương tính với SARS-CoV-2, tạm dừng hoạt động chợ Hoà Khánh Nam

Ngày 8/5, lãnh đạo phường Hoà Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: lực lượng chức năng của phường đã tiến hành các biện pháp phong tỏa và tạm thời dừng hoạt động chợ Hòa Khánh Nam (phường Hòa Khánh Nam) vì có liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đà Nẵng công bố kết quả điều tra dịch tễ của trường hợp bệnh nhân nữ là nhân viên làm việc tại Thẩm mỹ viện Quốc tế Amida (đồng nghiệp của BN 3131, được Bộ Y tế công bố tối 7/5).

Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu xác nhận thông tin về ca nghi mắc COVID-19 mới này. Bệnh nhân này được xác định có vào chợ Hòa Khánh Nam để mua sắm. Hiện lực lượng chức năng đang trích xuất camera tại một số khu vực nhà dân trên địa bàn phường để xác định các trường hợp tiếp xúc. Trong ngày hôm qua (7/5) đã bước đầu xác định được 2 người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân (F1) và đã tiến hành các biện pháp cách ly, theo dõi theo quy định. Cơ quan chức năng địa phương vẫn đang tiếp tục phối hợp để truy vết các trường hợp liên quan.

Liên quan đến nữ nhân viên thẩm mỹ mắc COVID-19, sáng cùng ngày Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, có thêm 2 đồng nghiệp là nữ làm việc tại Thẩm mỹ viện AMIDA có kết quả xét nghiệm bước đầu dương tính với SARS-CoV-2.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị thành phố tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các văn bản của Trung ương và thành phố.

UBND các quận huyện được yêu cầu phải tập trung tổng lực, thần tốc truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 các đối tượng trên địa bàn ngay khi xuất hiện thông tin ban đầu về ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp cần hỗ trợ về nhân lực thực hiện công tác xét nghiệm thì kịp thời phối hợp với ngành y tế để đảm bảo yêu cầu về tiến độ và hiệu quả. Đồng thời phải, chủ động trong việc thiết lập và đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực tại các khu cách ly tập trung đối tượng F1 và F2 có nguy cơ trên địa bàn quản lý.

Điện Biên tạm dừng hoạt động dịch vụ không cần thiết và thực hiện 5K

Sau khi tỉnh Điện Biên ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-COV-2. UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1310/UBND-KGVX, về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, như: Dịch vụ karaoke, mát xa, gội đầu, quán bar, vũ trường, quán internet, game, rạp chiếu phim, sân vận động, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bia hơi, các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liêu, phòng tập gym, Yoga, Aerobic... cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của UBND tỉnh. Các cơ sở du lịch, tham quan được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo yêu cầu 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đối với các cơ sở, dịch vụ ăn uống (bao gồm cả ăn sáng), các hoạt động giải khát (bao gồm cà phê, trà đá, trà chanh...), yêu cầu các chủ kinh doanh, người bán hàng chỉ được bán trong nhà, trong ki-ốt bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người, 2m giữa bàn với bàn. Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; không được tổ chức chức đám cưới, tang lễ có trên 20 người tham dự cho đến khi có thông báo tiếp theo. Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhà máy... theo quy định của Bộ Y tế,

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, như: Khử khuẩn phòng họp, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách. Ủy ban bầu cử các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, có phương án tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình thực tế của địa phương gắn với công tác phòng chống dịch bệnh.

Đà Nẵng phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ

Trao đổi với Tiền Phong sáng nay (8/5), Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đang triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẳn lẻ. Người dân sẽ đi chợ 3 ngày một lần, tại các chợ sẽ bố trí lực lượng phát, thu phiếu, đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

“Chậm nhất đến 0h ngày 10/5, tất cả các chợ trên địa bàn phải đồng loạt thực hiện. Hiện tại quận Ngũ Hành Sơn tiến hành làm đầu tiên, sẽ bắt đầu áp dụng với tất cả các chợ trên địa bàn từ sáng ngày 9/5”, đại diện Sở Công Thương thông tin.

Vị này cho biết thêm, trước mắt sẽ phát 5 phiếu cho người dân đi chợ trong vòng 15 ngày, sau đó tùy diễn biến dịch bệnh sẽ có phương án tiếp theo.

Hiện tại, Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động nhiều chợ trên địa bàn vì liên quan đến các ca dương tính như chợ Phước Mỹ, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh Nam, chợ Thanh Khê. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm hàng ngàn tiểu thương và các hộ dân xung quanh.

Trước đó, Sở Công Thương cũng đã lập danh sách hơn 140 hộ tiểu thương, đơn vị, hệ thống cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, suất ăn công nghiệp để người dân đặt hàng online và được giao hàng tận nơi.

Bộ Y tế: Yêu cầu tuân thủ chuyên môn trong lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tiếp tục rà soát, tăng cường, củng cố công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, cơ sở y tế là rất cần thiết.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản số 454/KCB-QLCL&CĐ gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ ngành về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện.

Công văn do PGS.TS Lương Ngọc Khuê ký ban hành hôm qua -7/5 cho biết, từ ngày 29/4/2021, tại một số tỉnh, thành phố đã phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng sau 34 ngày không có dịch, xuất hiện các chùm ca bệnh bắt đầu từ người đã hoàn thành cách ly y tế tập trung sau khi có kết quả xét nghiệm theo quy định.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tiếp tục rà soát, tăng cường, củng cố công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, cơ sở y tế là rất cần thiết.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm ban hành tại Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống COVID-19, đặc biệt lưu ý tuân thủ:

Ưu tiên lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, trường hợp không lấy được dịch tỵ hầu thì tiến hành lấy các loại mẫu khác theo Hướng dẫn.

Mẫu ngoáy họng phải được lấy đúng vị trí, kỹ thuật.

Sử dụng que lấy mẫu có đầu là sợi tổng hợp.

Không dùng que lấy mẫu có cán bằng calcium hay gỗ để lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, dịch ngoáy họng và mẫu ngoáy dịch mũi (nhằm tránh trường hợp có thể gây ức chế phản ứng PCR làm ảnh hưởng đến độ nhạy và đặc hiệu, kết quả xét nghiệm).

Không được bỏ sót các bước khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm.

Đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đơn lẻ cũng như gộp mẫu. Đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm theo Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học được ban hành tại Quyết định 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 của Bộ Y tế. Các phòng xét nghiệm chưa tiến hành xác nhận về giá trị chẩn đoán/sử dụng xét nghiệm đơn lẻ hay phương pháp xét nghiệm gộp thì cần tiến hành thực hiện ngay.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Công văn số 5268/BYT- KCB ngày 01/10/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, ngăn ngừa triệt để dịch COVID-19 lây lan trong các bệnh viện.

Sử dụng/áp dụng xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 phù hợp theo hướng dẫn tại Quyết định số 2202/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 về sử dụng sinh phẩm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm.

Tại văn bản này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) kịp thời các vướng mắc, khó khăn để Cục tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Hải Dương dừng hoạt động các quán karaoke, bar, massage...

BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, từ ngày 14/4-6/5 đã ghi nhận có 79 người dân tại địa phương từng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện K Hà Nội.

Bước đầu xác định, có 7 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư và 2 ca dương tính liên quan Bệnh viện K Hà Nội. Qua truy vết, xác định có 102 trường hợp F1 và 1.337 trường hợp F2.

BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương nhận định, đây là nhóm có nguy cơ rất cao, có khả năng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, kể từ ngày 8/5, dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu người dân giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại các địa điểm công cộng.

Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế

Các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải thực hiện nghiêm các biện php phòng, chống dịch.

Tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm tập trung từ 20 người trở lên.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: khu di tích, khu vui chơi, giải trí, giải thi đấu thể thao, phòng tập gym, yoga, cơ sở làm đẹp, gội đầu, karaoke, phòng trà, phòng hát giao lưu văn nghệ, massage, quán bar, vũ trường, quán game, rạp chiếu phim...

Vận động người dân tạm dừng tổ chức đám cưới, tổ chức đám tang nhanh gọn, nhà hàng, quán ăn không phục vụ tại chỗ.

Cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng học trực tiếp tại trường từ ngày 10/5 cho tới khi có thông báo mới.

Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, tùy theo tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định cho các trường có thể tổ chức dạy học trực tiếp muộn nhất đến 31/5, song phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch.

Yêu cầu Sở Y tế liên hệ với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện K Hà Nội để thu thâp thông tin, danh sách những người có liên quan để phối hợp truy vết.

Phát huy hiệu quả vai trò của tổ "COVID cộng đồng", xử lý nghiêm những trường hợp không tự giác khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.