Cụ thể Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ trẻ đủ 12-17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vắc xin của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Dự kiến, có 791.921 trẻ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi. Việc triển khai tiêm cho trẻ được tiến hành ngay khi tiếp nhận vắc xin và tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế. Dự kiến, thời gian triển khai quý IV-2021 và quý I-2022.
Mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch này là có trên 95% trẻ em từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19,
Kế hoạch nêu rõ phạm vi triển khai sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: triển khai trên toàn địa bàn thành phố và theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ 17 tuổi xuống 12 tuổi; tương đương khối 12 tiêm trước, tiếp đến khối 11 và lần lượt cho đến khối 7), bảo đảm tiêm chủng đúng đối tượng, an toàn nhất, sớm nhất và nhanh nhất.
Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thực tế tại thời điểm triển khai tiêm chủng, sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm bảo đảm tối ưu nhất công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kế hoạch cũng đề ra 3 địa điểm triển khai tiêm cho trẻ. Cụ thể: tiêm tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học và các điểm lưu động khác căn cứ vào kế hoạch của địa phương; tiêm tại trạm y tế hoặc điểm tiêm chủng: Tiêm vét (cho những đối tượng tạm miễn, hoãn tại trường) và những trẻ không đi học; tiêm tại bệnh viện cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... hoặc nghe tim phổi bất thường, phản vệ độ 3 với bất cứ dị nguyên nào theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tính đến 18h ngày 9/11, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai tiêm hơn 9,13 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19, trong đó có hơn 5,27 triệu mũi 1; hơn 3.85 triệu mũi 2. Ngoài ra, các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã tiêm được gần 1,4 triệu mũi gồm hơn 821.000 mũi 1 và gần 554.000 mũi 2.
Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em tại Hà Nội nằm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc bắt đầu từ 29/10. Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vắc xin sử dụng cho trẻ gồm Comirnaty của Pfizer và Spikevax của Moderna. TP HCM, Ninh Bình và Bình Dương là những tỉnh thành thí điểm, tiêm đầu tiên từ 26/10.
Bộ Y tế quy định, cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm (nếu đồng ý tiêm cho trẻ) theo mẫu; thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; các đơn vị cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm tích cực tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, theo các nghiên cứu tại các quốc gia khác nhau, những phản ứng như viêm cơ tim, viêm màng tim sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em thường xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái (khoảng từ 4 - 6, thậm chí gấp 10 lần trẻ gái), nhưng phản ứng này rất hiếm gặp.
Bà Hồng thông tin, tại các quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ, các phản ứng ghi nhận được tương tự như khi tiêm chủng cho người lớn, gồm: đau đầu, đau khớp, đau cơ, sau tiêm mũi 2 số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn.
Chuyên gia này lưu ý, trẻ sau khi tiêm được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. Trong 3 ngày đầu sau tiêm các trẻ phải có gia đình, bố mẹ, người giám hộ luôn bên cạnh trẻ để hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khoẻ của trẻ. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn.
Đặc biệt, ít nhất trong 3 ngày sau tiêm, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao để tránh gây tăng áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn. Thực tế tại một số quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ trước Việt Nam đã ghi nhận phản ứng sau tiêm dù rất hiếm gặp như viêm cơ tim, viêm màng tim…