Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sáng 17/8, ông Trần Bá Xiêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) nơi có khoảng gần 2km đê tả Bùi xung yếu trong đợt mưa lũ cuối tháng 7 cho biết, về cơ bản, xã và các lực lượng trên địa bàn sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho đê tả Bùi.
“Chúng tôi đã đi kiểm tra, rà soát thân đê. Các điểm bị xói mòn nhẹ chúng tôi phủ bạt kín, gia cố thêm để đề phòng nước dâng lên gây nguy hiểm”, ông Xiêm nói.
Theo ông Xiêm, những phương tiện vật chất kỹ thuật cũng đã được chuẩn bị, sẵn sàng hỗ trợ đê khi cần thiết.
“Hiện nay, mực nước sông Bùi ở mức thấp. Theo thông báo có thể có mưa rất to. Chúng tôi theo dõi thường xuyên, nếu có nước dâng sẽ kịp thời có phương án”, ông Xiêm nói.
Theo ông Xiêm, không loại trừ việc sẽ phải di dời các hộ dân bên trong đê tả Bùi khi mực nước lên quá to, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng người dân.
Trong khi đó, ngày 16/8, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đã kiểm tra, xử lý đoạn sạt lở, xói chân đê Hữu Bùi trên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ dài 22 mét, rộng 2 mét bằng rọ đá và bê tông đông kết nhanh.
Trước đó, đợt mưa lớn từ ngày 17/7 khiến nhiều xã thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ như Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ... ngập sâu nhiều ngày. Có nơi ngập hơn 20 ngày, gây nhiều thiệt hại về tài sản, diện tích trồng cấy, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm. Theo thống kê sơ bộ, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại hơn 260 tỷ đồng.
Giải thích về nguyên nhân gây ra đợt ngập lụt lịch sử này, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ cho biết, do trên địa bàn mưa lớn nhiều ngày, cùng với lũ rừng ngang từ Hòa Bình, Sơn La đổ về, khiến nước sông Bùi dâng cao. Khi nước sông Bùi dâng cao, đê hữu Bùi bị tràn, gây ngập lụt cho khu vực.
Với tính chất quan trọng của đê tả Bùi, các lực lượng chức năng của thành phố, huyện đã huy động nhiều người, phương tiện để đảm bảo an toàn cho đê, không gây nguy hiểm cho nhân dân bên trong đê tả Bùi khu vực Chương Mỹ, Hoài Đức và cả một phần quận Hà Đông...