Sai thì nhận rồi
Chiều 25/2, quận Ba Đình thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
Liên quan đến công trình 8B Lê Trực, nhiều phóng viên, báo chí đặt vấn đề về trách nhiệm để xảy ra công trình vi phạm; hướng xử lý trong thời gian tới; làm rõ tính pháp lý việc cấp phép xây dựng tầng 17,18; việc đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà…
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến. Ảnh: Trường Phong
Trả lời các câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: về công trình 8B Lê Trực, UBND quận đã tổ chức buổi thông tin báo chí, nêu rất đầy đủ các thông tin từ quy hoạch, cấp giấy phép đến việc vi phạm trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Hiện nay, quận được UBND thành phố giao phối hợp với các sở, ngành xem xét phương án tiếp tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở đây.
Nhiều phóng viên tiếp tục đặt lại câu hỏi về tòa nhà 8B Lê Trực, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu… Ông Tạ Nam Chiến cho rằng: “Nếu nói về trách nhiệm để xảy ra vi phạm thì tôi cũng đã có ý kiến tại buổi thông tin báo chí hôm trước. Trách nhiệm thuộc về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, trước hết là quận Ba Đình. Điều này có thể nói thẳng thắn như vậy”.
Về công tác xử lý vi phạm, ông Tạ Nam Chiến cho biết, hiện gặp vướng mắc về kỹ thuật. “Hiện nay chúng tôi chưa có phương án thiết kế để đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng là tháo dỡ bộ phận vi phạm của công trình nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bộ phận công trình còn lại, kể cả trong và sau khi tháo dỡ”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, quận đã báo cáo nội dung này lên UBND thành phố, nêu khó khăn, vướng mắc cụ thể. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cùng vào cuộc. Quận đang cùng Sở Xây dựng và Sở QH&KT phối hợp để có giải pháp.
Liên quan đến việc tìm kiếm đơn vị tư vấn, ông Chiến cho biết, đã gửi văn bản đến hơn 30 đơn vị trên cả nước, là các đơn vị có năng lực, uy tín, được hành nghề hợp pháp. “Tuy nhiên, có Cty trả lời không tham gia, có Cty không trả lời”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng cho biết, không có quy định về thời hạn mời gọi các đơn vị này, tuy nhiên, cũng không thể chờ đợi mãi được. “Chúng tôi cũng đã báo cáo thành phố về hướng xử lý nếu không tìm được nhà tư vấn”, ông Chiến nói.
Đề xuất mời quân đội vào cuộc
Kết luận hội nghị, liên quan đến vấn đề 8B Lê Trực, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng: “Bây giờ chính quyền cấp phường, cấp quận có sai không? Sai chứ, làm sao không sai vì để cho công trình lớn như thế”, đồng thời cho rằng “những năm gần đây, phường, quận, thành phố đã rất quyết liệt xử lý, nhưng với công trình lớn như thế thì không đơn giản”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học. Ảnh: Trường Phong
Theo ông Học, các vấn đề được quan tâm hiện nay là phá dỡ phần sai phạm thế nào, vấn đề liên quan đến xây dựng tầng 17,18 có sai không vì chủ đầu tư cũng có ý kiến, trong giấy phép xây dựng có tầng 17, 18 nhưng phường, quận lại cho rằng có sai, vượt chiều cao…
Theo ông Học, về tầng 17,18 có vượt chiều cao hay không, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ làm rõ, vì tất cả còn nằm trong hồ sơ, giấy tờ. Phải trả lời xác đáng sai hoặc không sai.
Về việc có phá dỡ tiếp không, theo ông Học, hiện quận Ba Đình có 3 đề xuất. Theo đó, quận đề xuất UBND thành phố cho phép Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị công binh xem xét có khả năng tháo dỡ được không. Việc này, UBND thành phố trao đổi, đề xuất với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ có ý kiến về việc có đủ khả năng, điều kiện làm việc này không. Thậm chí, phải có đề xuất lên cả Bộ Tư lệnh Công binh, quân đội vào cuộc.
Thứ 2, quận đề xuất với UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn thiết kế của Bộ Xây dựng có đủ điều kiện, hạng mục để tháo dỡ các phần sai phạm. "Việc này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã phát biểu, rất sẵn sàng nếu UBND thành phố Hà Nội có những yêu cầu, đề xuất. Với vai trò chức năng nhiệm vụ, năng lực của mình thì Bộ Xây dựng sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ”, ông Học nói thêm.
Về đề xuất thứ 3, ông Học cho biết, quận đề xuất đôn đốc các sở KH&ĐT, Tài chính... hướng dẫn chặt chẽ với UBND quận Ba Đình, nếu có các đơn vị có đủ năng lực tiến hành tháo dỡ, theo hướng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho công trình bởi vì sau này còn đưa vào sử dụng, an toàn trong quá trình trong quá trình hoạt động.
“Nếu các đơn vị trong nước không làm được thì đề xuất đơn vị nước ngoài, tuy nhiên nếu nước ngoài vào thì rất phức tạp”, ông Học nói.
Chủ đầu tư 8B Lê Trực nói gì?
Mới đây, Cty Cổ phần May Lê Trực – Chủ đầu tư Công trình 8B Lê Trực đã có văn bản gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí, cho rằng, dự án 8B phố Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp GPXD theo quy định của Nhà nước. “Việc UBND quận Ba Đình ra Quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu phải xin cấp Giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật”, văn bản nêu.
Cty này cũng cho biết, hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp cưỡng chế là “cấp sai và trái quy định của pháp luật. Theo Cty này, cả hai quyết định nói trên đã hết hiệu lực hành chính vì đều quá 2 năm (quy định tại Điều 6, mục a Luật xử lý vi phạm hành chính 2012), nên đến nay không còn giá trị thực hiện. Cả 2 quyết định này đều không có nội dung phá dỡ tầng 17, 18. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đã hết thời hạn.
Cũng trong văn bản kiến nghị, Cty CP May Lê Trực dẫn chứng, công trình 8B Lê Trực thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND thành phố Hà Nội được phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m (17 tầng chính +2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); Các tầng 17, 18, 19, 20 mà UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong Quy hoạch chi tiết. Cty CP May Lê Trực lập luận, GPXD số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 cấp sai quy định pháp luật vì không đúng với Tiêu chuẩn xây dựng TCVN: 323/2004 (Mục 6.2.4.12) và cấp sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết. Công trình cấp phép sai đã bị thiếu 2 tầng và chiều cao công trình cấp phép bị thiếu 16,1m. Đơn cử, chiều cao tầng thương mại theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 4,5m /tầng nhưng cấp phép chỉ có 2,6m /tầng; Các tầng Căn hộ theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 3,3m /tầng; Chiều cao thông thủy các tầng từ mặt sàn đến mặt dưới của trần chỉ cao khoảng 2,09m…Theo Cty này, tòa nhà 8B Lê Trực đã được chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ về tài chính nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước, việc đã nộp tiền là xác lập quyền sử hữu công trình của Cty CP May Lê Trực; các căn hộ thuộc tầng 17, 18 là tài sản hợp pháp và đã thực hiện giao dịch mua bán dân sự giữa chủ đầu từ và người mua nhà; tài sản căn hộ tầng 17, 18 đã bàn giao cho các hộ dân nên thuộc quyền sở hữu của người dân…