Hà Nội: Đề xuất dừng hoạt động massage, spa, liên hoan đông người

0:00 / 0:00
0:00
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh
TPO - Chiều 4/5, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiến nghị, thành phố nên xem xét dừng hoạt động không cần thiết như massage, spa, liên hoan đông người để phòng chống dịch.

Phong toả 4 khu vực

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới và tử vong tiếp tục tăng, đặc biệt ở Ấn Độ, Nepal, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Thái Lan, Lào, Campuchia... dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng.

Ngày 2/5, Bộ Y tế công bố thông tin về chùm ca bệnh tại Vĩnh Phúc, là 6 trường hợp nhân viên phục vụ tại quán bar Sunny, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc, liên quan đến nhóm chuyên gia người Trung Quốc.

Đến nay, chùm ca bệnh đã xác định có 20 trường hợp mắc COVID-19 gồm 5 chuyên gia Trung Quốc đã về nước, 6 nhân viên phục vụ tại quán bar Sunny, 3 người đến hát tại quán, 5 người là nhân viên quán massage Hoa Sen tại Vĩnh Phúc, 1 trường hợp đi chung chuyến bay với chuyên gia Trung Quốc.

Ngoài ra, một số trường hợp đáng chú ý là 1 nhân viên khách sạn lây nhiễm trong khu cách ly tập trung tại tỉnh Yên Bái được công bố ngày 27/4 và 1 trường hợp tại Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây được công bố ngày 3/5.

Cộng dồn đến 15h ngày 4/5, Việt Nam ghi nhận 2.985 ca mắc.

Tại Hà Nội, cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc ngoài cộng đồng là các trường hợp bệnh nhân 2911, 2927, 2928, 2985, 2986 và các trường hợp bệnh nhân 2960, 2957, 2979 có liên quan đến Hà Nội được ghi nhận cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến nay, thành phố đã tiến hành khoanh vùng xử lý dịch các khu vực liên quan đến ca mắc tại 5 quận, huyện gồm Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và Mê Linh.

Tại quận Hai Bà Trưng, phong toả tạm thời ngõ 94, phố Bùi Thị Xuân gồm 12 hộ gia đình, 35 người dân sinh sống từ ngày 2/5. Kết quả xét nghiệm 35 người đều âm tính.

Tại quận Hoàng Mai, phong toả tạm thời toàn bộ chung cư Viễn Đông Star (21 tầng, 293 căn hộ, 221 người dân sinh sống) từ ngày 3/5/2021. Lấy mẫu sàng lọc 60 người, kết quả đều âm tính. Phong toả toà Park 10 Times City gồm 34 tầng, 612 căn hộ từ ngày 4/5, lấy mẫu sàng lọc 41 người, kết quả 36 âm tính, còn lại chờ kết quả.

Tại quận Bắc Từ Liêm, phong toả tạm thời toà nhà chung cư mini nơi bệnh nhân sinh sống, có 52 người. Lấy mẫu sàng lọc 60 người (52 người cùng toà nhà, 8 người tại quán ăn liên quan), hiện chưa có kết quả.

Tại huyện Mê Linh, phong toả tạm thời tổ 4 Xa Mạc, xã Liên Mạc, lập 4 chốt mềm kiểm soát ra vào trên địa bàn tổ 4.

Chủng Ấn Độ lây lan rất nhanh

Theo ông Hạnh, hiện nay, nhiều người dân ở nhiều địa phương vẫn rất chủ quan, lơ là. Với Hà Nội, lượng người quay trở lại sau nghỉ lễ rất lớn, việc cách ly tại một số tỉnh chưa chặt chẽ, biến thể mới tại Ấn Độ, tại Anh xuất hiện tại Việt Nam, lây lan rất nhanh, chu kỳ khoảng 3 - 4 ngày.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện nay, các chùm ca bệnh xuất hiện ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, đặc biệt tại Đà Nẵng có ca chưa rõ nguồn gốc nên rất nguy hiểm. Hà Nội đã xuất hiện 5 ca mắc ngoài cộng đồng. Các quận, huyện như Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Mê Linh có nguy cơ cao hơn các đơn vị khác.

"Dự báo Hà Nội sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, nếu truy vết khẩn trương, kịp thời sẽ khoanh vùng kịp, chỉ xuất hiện các đốm dịch. Nếu không khẩn trương thì dịch bùng phát rất lớn", ông Hạnh nói.

Đề xuất dừng hoạt động massage, spa

Ông Hạnh đề xuất một số giải pháp, cụ thể là tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của T.Ư và thành phố Hà Nội. "Một số dịch vụ không cần thiết như massage, spa nếu không cần thiết thì nên dừng hoạt động. Rồi các cuộc ăn uống đông người như sinh nhật, liên hoan, uống bia rượu đông người, không đeo khẩu trang, ngồi sát nhau thì nên hạn chế, giảm bớt nguy cơ lây nhiễm", ông Hạnh đề xuất.

Cũng theo ông Hạnh, cần tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan, nhưng cũng tránh để người dân hoang mang, lo lắng. Nếu lo lắng quá cũng không tốt, cần bình tĩnh để ứng xử, đặc biệt tuân thủ nguyên tắc 5K.

Khi phát hiện ca bệnh mới, ông Hạnh cho rằng, cần chủ động truy vết, cách ly kịp thời, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý ngay, nhưng ở diện tối thiểu nhất để vừa đảm bảo an toàn, vừa ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Không nên cứng nhắc, làm quá, tuỳ vào ca bệnh, diễn biến dịch tễ để ứng xử phù hợp.

"Chúng ta nói rằng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, nhưng thực sự có làm được không. Làm sao để rà soát, nắm được tất cả các trường hợp ho, sốt trên địa bàn, đi từ nơi khác về. Sau nghỉ lễ, người về thành phố rất nhiều, các tổ COVID-19 cộng đồng phải nắm được danh sách, yêu cầu khai báo, nếu có ho sốt, khó thở phải kịp thời báo cho đơn vị y tế", ông Hạnh đề nghị.

Theo ông Hạnh, các tổ COVID-19 cộng đồng cũng phải phối hợp phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là các trường hợp người Trung Quốc. "Nếu không có "chân rết" dưới cơ sở thì rất khó phát hiện", ông Hạnh nói.

Người dân không tự giác thì rất khó chống dịch

Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần tiếp tục yêu cầu các nhà thuốc, khi có người đến mua thuốc ho, sốt cần kịp thời thông báo với chính quyền địa phương. Các bệnh viện cũng cần chủ động nắm danh sách, kịp thời có biện pháp với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở.

"Chúng ta kêu gọi, yêu cầu người dân trở lại thành phố bắt buộc phải khai báo y tế, nhưng nếu người dân không tự giác, giấu giếm thì rất khó. Như vừa rồi phía Yên Bái có thông báo cho Hà Nội có hai trường hợp lên Yên Bái ăn cưới, nhưng khi gọi điện họ nói là chỉ gửi quà mừng thôi. Nếu trường hợp này để lây lan thì phải chịu trách nhiệm", ông Hạnh nói, đồng thời cho rằng, người dân cần tự giác khai báo nếu có yếu tố liên quan đến dịch bệnh.

"Tất cả người về thành phố sau nghỉ lễ phải khai báo y tế, đặc biệt các tổ COVID-19 cộng đồng phải nắm danh sách, số điện thoại để liên lạc khi cần thiết. Nếu phát hiện người nào trong vùng phong toả mà lọt ra ngoài thì phải yêu cầu cách ly tập trung, xét nghiệm", ông Hạnh nhắc lại, đồng thời cho biết, với một số khu, vùng có nguy cơ cao như có nhiều chuyên gia nước ngoài sinh sống, có nhiều quán bar, thành phố sẽ nghiên cứu xét nghiệm ngẫu nhiên để xác định nguy cơ trong cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm; chủ động chuẩn bị thêm cơ sở cách ly các F1, chuẩn bị thuốc men, giường bệnh, ô xy, điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch chủ động. Ông Hạnh cũng cho rằng, nên kiến nghị T.Ư có những chỉ đạo cần thiết liên quan đến quy trình, thời gian cách ly phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.

MỚI - NÓNG