Hà Nội: Đề xuất chi gần 186 tỷ đồng/năm hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 4 nhóm đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đề xuất, các nhóm đối tượng được thành phố hỗ trợ đóng BHYT gồm người từ 70-79 tuổi, người khuyết tật, học sinh - sinh viên và người làm nông - lâm - ngư nghiệp có thu nhập trung bình. 

UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội “Đề nghị Ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024-2025”.

Theo đề xuất, các đối tượng được hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm:

- Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi đang thường trú trên địa bàn Hà Nội không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

- Người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT thường trú trên địa bàn Hà Nội.

- Học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố (theo Quyết định số 13/2021/QĐ- UBND ngày 5/9/2021 của UBND TP. Hà Nội) chưa được cấp thẻ BHYT, đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố (quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND TP. Hà Nội).

Hà Nội: Đề xuất chi gần 186 tỷ đồng/năm hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 4 nhóm đối tượng ảnh 1

Tuyên truyền người dân Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội

Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; Học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT.

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT.

Mức hỗ trợ trên không bao gồm mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Thời gian thực hiện được áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Theo UBND TP. Hà Nội, kinh phí thực hiện dự kiến để thực hiện hỗ trợ 4 nhóm đối tượng trên là gần186 tỷ đồng.

Dự kiến, đề xuất trên của UBND TP. Hà Nội sẽ được HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 14, được tổ chức từ ngày 5/12 đến ngày 8/12.

Thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 1.130.762 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Trong đó, 940.121 người cao tuổi đã được cấp thẻ BHYT (từ 80 tuổi trở lên) với số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 756,4 tỷ đồng/năm; còn 190.641 người cao tuổi chưa có thẻ BHYT (từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi còn 61.559 người).

Tổng số người khuyết tật là 105.433 người, trong đó 91.893 người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đã được cấp thẻ BHYT với số tiền hỗ trợ 73,9 tỷ đồng/năm. Hiện còn 13.540 người khuyết tật nhẹ chưa được cấp thẻ BHYT.

Tổng số học sinh - sinh viên là 2,25 triệu người, trong đó số học sinh, sinh viên được cấp thẻ BHYT là 2,23 triệu người đạt tỷ lệ 98,8% với số tiền hỗ trợ 475 tỷ đồng/năm (NSNN đang hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, HSSV đóng 70% mức đóng BHYT). Hiện còn 26.000 học sinh- sinh viên chưa tham gia BHYT.

Tổng số người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang tham gia BHYT là 9.362 người, với số tiền ngân sách đang hỗ trợ mức đóng BHYT là 2,2 tỷ đồng/năm.

Tính đến hết năm 2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn thành phố là 7.738.212 người, tăng 1.072.456 người so với năm 2021. Tuy nhiên, từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng dẫn đến mức đóng BHYT tăng theo nên việc tham gia BHYT của người dân gặp khó khăn về kinh phí nhất là nhóm người khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các hộ gia đình có mức sống trung bình.

MỚI - NÓNG