> Rùng mình vào lò mổ 'bẩn' lúc nửa đêm
Chọc tiết, làm lông vẫn chủ yếu
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với tổng đàn lợn hơn 1,5 triệu con, gia cầm hơn 18 triệu con, trâu bò gần 200 nghìn con, hiện sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội đạt gần 376.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Đăng, phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, bức xúc hiện nay là quản lý ATVSTP trong khâu giết mổ. Giết mổ hiện đại không có đất sống, còn giết mổ thủ công, nhỏ lẻ theo kiểu chọc tiết, làm lông mất vệ sinh mọc khắp nơi.
Hiện thành phố có 6 cơ sở giết mổ tập trung dây chuyền hiện đại, công suất từ 300-500 con/giờ, nhưng nay các cơ sở này không hoạt động dây chuyền mà chuyển sang giết mổ thủ công.
Một số cơ sở như Minh Khai, Phúc Thịnh, Thụy Phương… phải đóng cửa hoàn toàn vì chi phí giết mổ cao, tiêu thụ khó khăn, người tiêu dùng thích mua sản phẩm tươi không qua bảo quản.
Trong khi đó, 13 cơ sở tập trung giết mổ bán công nghiệp, nằm chủ yếu ở các huyện ngoại thành, có công suất từ 10-800 con/ngày với lợn, từ 200-3.500 con/ngày với gia cầm; cùng hơn 440 điểm giết mổ nằm trong khu dân cư vẫn hoạt động nhộn nhịp suốt đêm.
Những cơ sở, địa điểm này đều chưa đảm bảo vệ sinh thú y, quy trình giết mổ theo quy định.
Ông Đăng cho hay, Hà Nội hiện có trên 3.700 hộ giết mổ nhỏ lẻ trong dân cư nhưng cung cấp hơn 47% lượng thịt trâu bò, hơn 37% lượng thịt lợn và gần 60% lượng thịt gia cầm.
Các hộ giết mổ nhỏ lẻ này, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, thú y gần như không kiểm soát được. “Tới 80% người tiêu dùng được khảo sát cho biết, sẵn sàng sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, không đảm bảo VSATTP. Đây là nguồn tiếp sức cho người sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật, luôn có ý thức chống đối”- ông Đăng nói.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói, muốn dẹp giết mổ nhỏ lẻ phải có lộ trình: “Đầu tư cho giết mổ hiện đại thì không khó, nhưng nếu quản lý giết mổ thủ công, nhỏ không tốt thì có đầu tư hiện đại mấy cũng chết.
Thành phố cũng có thể hoãn đầu tư một con đường chưa cấp thiết, để tập trung cho ATVSTP, vì sức khỏe cộng đồng”.
Lò mổ hiện đại được ưu đãi 3 năm
Kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, một số cơ sở giết mổ ở Hà Nội đã gom tập trung lại, nhưng vẫn là hình thức của giết mổ nhỏ lẻ.
“TPHCM và một số tỉnh lân cận còn phức tạp hơn Hà Nội nhiều, nhưng sao họ làm được. Hà Nội cần phải xem lại”- bà Thu nói.
Trước tình trạng “sống dở chết dở” của các cơ sở hiện đại, ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, HĐND thành phố vừa thông qua chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ cho giết mổ tập trung hiện đại.
Theo ông Việt, với những cơ sở đảm bảo các điều kiện VSATTP, khi gia súc, gia cầm đưa vào đó giết mổ sẽ được hỗ trợ trong vòng 3 năm.
Theo đó, năm đầu tiên sẽ được hỗ trợ 50% phí giết mổ, năm thứ 2 được 40% và năm thứ 3 được 30%.
Trong tháng 5 tới, thành phố sẽ xây dựng xong chính sách cụ thể, và bắt đầu áp dụng. Hy vọng chính sách này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các cơ sở như Minh Hiền (Thanh Oai), Foodex (Đan Phượng)…